Hành trình Hà Nội-Trạm Tấu-Tà Xùa-Hà Nội bằng cào cào, 3/2021

Share

Không rủ được ai đi cùng nên mình độc hành. Cảm giác đầu tiên và đeo bám mình cả ngày là sự cô đơn, kể cũng lạ, đi chơi một mình từ hồi còn thanh niên, 3 lần xuyên Việt cũng đều một mình, nhưng lần này cảm xúc rất khác biệt, không hiểu là do tuổi chăng? Dự kiến 6h xuất phát nhưng phải đến 8h30 mình mới ra đến đường, Dừng ăn trưa ở đầu Văn Chấn, Yên Bái, đến đầu giờ chiều chạy tiếp vào bản Hát Lừu 2, Trạm Tấu, Yên Bái. Đây là lần thứ hai mình đến Trạm Tấu. Lần trước đến đúng ngày mưa nên không đi thăm được gì. Tự an ủi là cảnh nó còn đấy, lúc khác quay lại. Tìm hiểu trên mạng thì thấy ở Trạm Tấu có nhiều điểm tham quan được, đó là bản Cu Vai, bản Xà Hồ và bản Mù. 3 bản điểm này đều nằm trên môt trục đường gần Trạm Tấu. Riêng bản Mù có thể đi tiếp ra đến tận quốc lộ 32 nhưng đường cực xấu, không đi được.
Thông tin về các bản trên đều có thể tìm thấy trong các trang facbook gọi là review + tên vùng, ví dụ review Trạm Tấu, hoặc review Mù Căng Chải- Nghĩa Lộ. Ngoài ra có thể thể tham khảo trên báo điện tử baoyenbai.com.vn. Đơn giản nhất vẫn là theo dõi các bài review của khách thập phương đã đến vùng đó, họ kể lại và mình sẽ tìm ra điểm muốn đến một cách dễ dàng.

Bản Cu Vai: Từ bản Hát Lừu 2 đến Cu Vai chỉ khoảng 7 km và chỉ có xe máy mới đi được. Trời mưa gió thì đường cực trơn, đến dân bản địa cũng không đi được. Mình chạy cào cào lên mà vừa đi vừa đánh võng, càng lên cao đường càng trơn, có lúc phải xuống dắt bộ cho khỏi ngã. Bản Cu Vai nằm trọn trên đỉnh núi, bản có 50 hộ dân người Hmong. Bản dùng điện mặt trời, chưa có điện lưới, mỗi ngày chỉ có 3-4h có điện vào buổi tối. Trong bản có vài nhà bán đồ uống như nước khoáng, nước ngọt, bò húc…. Nhưng lại không có cà phê! Điểm thu hút du khách đến đây là từ Cu Vai, chúng ta có cơ hội quan sát toàn cảnh vùng núi xung quanh rất hấp dẫn, mạn lung chừng núi có nhiều ruộng bậc thang uốn lượn theo sườn núi, và chỉ cần nhìn thế thôi đã đủ ghìm chân tất cả những lữ khách qua đây.

Bản Xà Hồ: Rời Cu Vai xuống núi, ta có con đường rẽ phải vào bản Xà Hồ, đường dễ đi, du khách thoải mái khám phá cuộc sống của dân tộc, ngắm cảnh ruộng vườn bát ngát.

Gần trị trấn Trạm Tấu là bản Mù khá đông dân, có nhiều trường học, nhiều ruộng bậc thang, nếu đi hết con đường này thì sẽ ra quốc lộ 32. Mình chạy vào đến đoạn dốc khá cao và đá lổn nhổn thì dừng lại. Dân địa phương nói cung đường này rất xấu, cũng ít người đi. Hẹn lần khác mình khám phá cung đường này.

Từ trước đến nay, người ta hẩu như chỉ biết đến Mù Căng Chải, chứ ít khi nhắc đến Trạm Tấu. Theo mình thấy vùng Trạm Tấu sẽ nhanh chóng thu hút du khách thập phương đến tham quan, nghỉ dưỡng trong thời gian tới, nhất là khi nhà nước đang đầu tư cải tạo lại con đường nối Trạm Tấu và Tà Xùa (Sơn La). Dự kiến con đường mới này sẽ thông vào năm sau. Hiện giờ chỉ có thể di chuyển bằng xe máy qua con đường này, mà di chuyển rất khó nhọc đấy nhé.
Cung đường Trạm Tấu – Tà Xùa hiện giờ rất thích hợp để khám phá bằng cào cào, một loại xe máy chuyên chạy địa hình phức tạp, khả năng lội nước rất tốt. Ngoài con đường chính đang mở, du khách có thể mầy mò theo các con đường dân sinh để trải nghiệm cái vui thú của môn thể thao có tính mạo hiểm off-road!
Cung đường này hoàn toàn không có cây xăng/ dầu vì đang được cải tạo, nên trước khi chạy vào, du khách hãy đảm bảo đổ đầy bình nhiên liệu. Nếu chẳng may hết xăng thì làm sao? Thì hãy thử hỏi mua xăng ở các lán của dân công trường dọc tuyến đường. Ngoài làm việc trên đường, công nhân vẫn đi lại bằng xe máy thông thường. Mình còn thấy 1 nhóm công nhân đang vá lốp cho 1 xe máy trên đường. Có 1 anh hình như là chỉ huy còn bảo có lần anh ý còn thay hộ lốp cho 1 xe của ông tây đi qua đây bị nổ.

Đi qua cung đường này tốt nhất là đi 2 người trở lên, hoặc đi cùng một nhóm để hỗ trợ nhau khi cần. Đường đang làm, nhiều đoạn chỉ có thể giắt bộ hoặc đẩy xe mới đi được, nếu đi vào thời điểm cấm đường (đang làm đường) thì yên tâm đợi vài giờ đồng hồ nhé.

Mình chạy cào cào có một mình, có lúc phải xuống đẩy để lên dốc, rồi có lúc bị ngã vì trượt dốc. Có lúc phải nhờ cặp vợ chồng người Hmong đi cùng đường đẩy hộ mới qua được. Mình bảo với vợ chồng họ là nhờ bác đi cùng em, em chạy trước, bác chạy sau, nhỡ có cần đẩy xe thì nhờ bác đẩy hộ nhé. Quả thực trên đường đi, mình đã phải 2 lần nhờ đến họ. Có lúc nghĩ là nếu chỉ có 1 mình thì làm sao qua được nhỉ? Chắc chỉ có thể xuống đẩy rồi thốc ga lên là qua thôi. Nhược điểm và cũng cũng là ưu điểm của cào cào là xe rất cao, lại khá nặng, giữ không thăng bằng là xe lăn kềnh ra.

Đường từ Trạm Tầu đến Tà Xùa đi qua đỉnh một ngọn núi được gọi là giáp ranh giữa hai tỉnh Yên Bái và Sơn La. Suốt từ Trạm Tấu đi hầu như chỉ có dốc lên. Đường nát bét, trơn trượt thôi rồi, chỗ nào khô thì chạy thoải mái hẳn. Lên đến đỉnh núi, gặp 1 đám công nhân bên đường họ bảo từ giờ đường ngon rồi bác ạ, chỉ có dốc xuống và chỗ xấu nhất vẫn tốt hơn chỗ bác đi ban sáng! Hihi, nghe vậy sướng hết cả người.

Đoạn dốc xuống (tức là mạn bên Sơn La), quả là dễ đi hơn hẳn, tuy đường chả ra đường gì cả. Có nhiều km xe cứ trượt đi, mình thả côn cho xe chạy số thấp vì lúc đó xe kéo máy, đi số mấy cũng được, theo quán tính xe tự chạy xuống. Mình chỉ chú ý các mỏm đá nhọn vì có thể nó chém cho đứt lốp thì toi, chẳng may nổ lốp thì ngủ đường là cái chắc. Mình phải áp dụng thiền để khỏi phải nghĩ đến điều đó. Chạy qua một cái lán công nhân đang ăn cơm, mình vẫy tay chào, làm cho vui thôi, các bác ý gọi với theo vào ăn cơm với chúng cháu….. hihi mình nói to cảm ơn nhưng tiếp tục chạy vì tính là chạy cố qua cái đoạn xấu xí này đã, chẳng may có mưa gió rất phiền toái. Khi đến thị trấn tuyệt đẹp Xím Vàng thì mới yên tâm dừng lại ăn trưa. Từ đây về Tà Xùa chỉ còn 19 km thôi, mà toàn đường nhựa uốn lượn như giải lụa ý.

Về đến thị trấn Tà Xùa lúc 15h35, cảnh xưa cũng khác nhiều mà cũng mới chỉ có 3-4 năm. Hồi mình đến đây vẫn chưa có nhiều nhà dân như bây giờ, thậm chí mới chỉ có vài nhà Homestay bằng tôn, giờ thì nhan nhản, tựa như Tả Van ở Sapa.
Ông chủ Homestay chỗ mình ở bảo săn mây thì có thể săn bât cứ ngày nào trong năm, nếu hôm trước có mưa thì khả năng hôm sau nhiều mây đấy. Đứng ở đỉnh Tà Xùa, nếu có quá nhiều mây mù thì cũng có nghĩa là ở sống khủng long cũng mù mịt, không nhìn thấy gì, do vậy cũng không cần ra đó làm gì nữa.

Tà Xùa sẽ ngày càng cuốn hút khách, nhất là giới trẻ, chỉ khoảng 5h chạy xe máy là về tới Hà Nội. Hơn nữa dọc con đường 32, du khách có thể ghé check in đồi chè ở Thanh Sơn hoặc Long Cốc, Phú Thọ, đó cũng là những điểm dừng chân thư giãn thú vị sau chặng đường trường.

This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink.

Leave a Reply