Hành trình Hà Nội-Trạm Tấu-Tà Xùa-Hà Nội bằng cào cào, 3/2021

Share

Không rủ được ai đi cùng nên mình độc hành. Cảm giác đầu tiên và đeo bám mình cả ngày là sự cô đơn, kể cũng lạ, đi chơi một mình từ hồi còn thanh niên, 3 lần xuyên Việt cũng đều một mình, nhưng lần này cảm xúc rất khác biệt, không hiểu là do tuổi chăng? Dự kiến 6h xuất phát nhưng phải đến 8h30 mình mới ra đến đường, Dừng ăn trưa ở đầu Văn Chấn, Yên Bái, đến đầu giờ chiều chạy tiếp vào bản Hát Lừu 2, Trạm Tấu, Yên Bái. Đây là lần thứ hai mình đến Trạm Tấu. Lần trước đến đúng ngày mưa nên không đi thăm được gì. Tự an ủi là cảnh nó còn đấy, lúc khác quay lại. Tìm hiểu trên mạng thì thấy ở Trạm Tấu có nhiều điểm tham quan được, đó là bản Cu Vai, bản Xà Hồ và bản Mù. 3 bản điểm này đều nằm trên môt trục đường gần Trạm Tấu. Riêng bản Mù có thể đi tiếp ra đến tận quốc lộ 32 nhưng đường cực xấu, không đi được.
Thông tin về các bản trên đều có thể tìm thấy trong các trang facbook gọi là review + tên vùng, ví dụ review Trạm Tấu, hoặc review Mù Căng Chải- Nghĩa Lộ. Ngoài ra có thể thể tham khảo trên báo điện tử baoyenbai.com.vn. Đơn giản nhất vẫn là theo dõi các bài review của khách thập phương đã đến vùng đó, họ kể lại và mình sẽ tìm ra điểm muốn đến một cách dễ dàng.

Bản Cu Vai: Từ bản Hát Lừu 2 đến Cu Vai chỉ khoảng 7 km và chỉ có xe máy mới đi được. Trời mưa gió thì đường cực trơn, đến dân bản địa cũng không đi được. Mình chạy cào cào lên mà vừa đi vừa đánh võng, càng lên cao đường càng trơn, có lúc phải xuống dắt bộ cho khỏi ngã. Bản Cu Vai nằm trọn trên đỉnh núi, bản có 50 hộ dân người Hmong. Bản dùng điện mặt trời, chưa có điện lưới, mỗi ngày chỉ có 3-4h có điện vào buổi tối. Trong bản có vài nhà bán đồ uống như nước khoáng, nước ngọt, bò húc…. Nhưng lại không có cà phê! Điểm thu hút du khách đến đây là từ Cu Vai, chúng ta có cơ hội quan sát toàn cảnh vùng núi xung quanh rất hấp dẫn, mạn lung chừng núi có nhiều ruộng bậc thang uốn lượn theo sườn núi, và chỉ cần nhìn thế thôi đã đủ ghìm chân tất cả những lữ khách qua đây.

Bản Xà Hồ: Rời Cu Vai xuống núi, ta có con đường rẽ phải vào bản Xà Hồ, đường dễ đi, du khách thoải mái khám phá cuộc sống của dân tộc, ngắm cảnh ruộng vườn bát ngát.

Gần trị trấn Trạm Tấu là bản Mù khá đông dân, có nhiều trường học, nhiều ruộng bậc thang, nếu đi hết con đường này thì sẽ ra quốc lộ 32. Mình chạy vào đến đoạn dốc khá cao và đá lổn nhổn thì dừng lại. Dân địa phương nói cung đường này rất xấu, cũng ít người đi. Hẹn lần khác mình khám phá cung đường này.

Từ trước đến nay, người ta hẩu như chỉ biết đến Mù Căng Chải, chứ ít khi nhắc đến Trạm Tấu. Theo mình thấy vùng Trạm Tấu sẽ nhanh chóng thu hút du khách thập phương đến tham quan, nghỉ dưỡng trong thời gian tới, nhất là khi nhà nước đang đầu tư cải tạo lại con đường nối Trạm Tấu và Tà Xùa (Sơn La). Dự kiến con đường mới này sẽ thông vào năm sau. Hiện giờ chỉ có thể di chuyển bằng xe máy qua con đường này, mà di chuyển rất khó nhọc đấy nhé.
Cung đường Trạm Tấu – Tà Xùa hiện giờ rất thích hợp để khám phá bằng cào cào, một loại xe máy chuyên chạy địa hình phức tạp, khả năng lội nước rất tốt. Ngoài con đường chính đang mở, du khách có thể mầy mò theo các con đường dân sinh để trải nghiệm cái vui thú của môn thể thao có tính mạo hiểm off-road!
Cung đường này hoàn toàn không có cây xăng/ dầu vì đang được cải tạo, nên trước khi chạy vào, du khách hãy đảm bảo đổ đầy bình nhiên liệu. Nếu chẳng may hết xăng thì làm sao? Thì hãy thử hỏi mua xăng ở các lán của dân công trường dọc tuyến đường. Ngoài làm việc trên đường, công nhân vẫn đi lại bằng xe máy thông thường. Mình còn thấy 1 nhóm công nhân đang vá lốp cho 1 xe máy trên đường. Có 1 anh hình như là chỉ huy còn bảo có lần anh ý còn thay hộ lốp cho 1 xe của ông tây đi qua đây bị nổ.

Đi qua cung đường này tốt nhất là đi 2 người trở lên, hoặc đi cùng một nhóm để hỗ trợ nhau khi cần. Đường đang làm, nhiều đoạn chỉ có thể giắt bộ hoặc đẩy xe mới đi được, nếu đi vào thời điểm cấm đường (đang làm đường) thì yên tâm đợi vài giờ đồng hồ nhé.

Mình chạy cào cào có một mình, có lúc phải xuống đẩy để lên dốc, rồi có lúc bị ngã vì trượt dốc. Có lúc phải nhờ cặp vợ chồng người Hmong đi cùng đường đẩy hộ mới qua được. Mình bảo với vợ chồng họ là nhờ bác đi cùng em, em chạy trước, bác chạy sau, nhỡ có cần đẩy xe thì nhờ bác đẩy hộ nhé. Quả thực trên đường đi, mình đã phải 2 lần nhờ đến họ. Có lúc nghĩ là nếu chỉ có 1 mình thì làm sao qua được nhỉ? Chắc chỉ có thể xuống đẩy rồi thốc ga lên là qua thôi. Nhược điểm và cũng cũng là ưu điểm của cào cào là xe rất cao, lại khá nặng, giữ không thăng bằng là xe lăn kềnh ra.

Đường từ Trạm Tầu đến Tà Xùa đi qua đỉnh một ngọn núi được gọi là giáp ranh giữa hai tỉnh Yên Bái và Sơn La. Suốt từ Trạm Tấu đi hầu như chỉ có dốc lên. Đường nát bét, trơn trượt thôi rồi, chỗ nào khô thì chạy thoải mái hẳn. Lên đến đỉnh núi, gặp 1 đám công nhân bên đường họ bảo từ giờ đường ngon rồi bác ạ, chỉ có dốc xuống và chỗ xấu nhất vẫn tốt hơn chỗ bác đi ban sáng! Hihi, nghe vậy sướng hết cả người.

Đoạn dốc xuống (tức là mạn bên Sơn La), quả là dễ đi hơn hẳn, tuy đường chả ra đường gì cả. Có nhiều km xe cứ trượt đi, mình thả côn cho xe chạy số thấp vì lúc đó xe kéo máy, đi số mấy cũng được, theo quán tính xe tự chạy xuống. Mình chỉ chú ý các mỏm đá nhọn vì có thể nó chém cho đứt lốp thì toi, chẳng may nổ lốp thì ngủ đường là cái chắc. Mình phải áp dụng thiền để khỏi phải nghĩ đến điều đó. Chạy qua một cái lán công nhân đang ăn cơm, mình vẫy tay chào, làm cho vui thôi, các bác ý gọi với theo vào ăn cơm với chúng cháu….. hihi mình nói to cảm ơn nhưng tiếp tục chạy vì tính là chạy cố qua cái đoạn xấu xí này đã, chẳng may có mưa gió rất phiền toái. Khi đến thị trấn tuyệt đẹp Xím Vàng thì mới yên tâm dừng lại ăn trưa. Từ đây về Tà Xùa chỉ còn 19 km thôi, mà toàn đường nhựa uốn lượn như giải lụa ý.

Về đến thị trấn Tà Xùa lúc 15h35, cảnh xưa cũng khác nhiều mà cũng mới chỉ có 3-4 năm. Hồi mình đến đây vẫn chưa có nhiều nhà dân như bây giờ, thậm chí mới chỉ có vài nhà Homestay bằng tôn, giờ thì nhan nhản, tựa như Tả Van ở Sapa.
Ông chủ Homestay chỗ mình ở bảo săn mây thì có thể săn bât cứ ngày nào trong năm, nếu hôm trước có mưa thì khả năng hôm sau nhiều mây đấy. Đứng ở đỉnh Tà Xùa, nếu có quá nhiều mây mù thì cũng có nghĩa là ở sống khủng long cũng mù mịt, không nhìn thấy gì, do vậy cũng không cần ra đó làm gì nữa.

Tà Xùa sẽ ngày càng cuốn hút khách, nhất là giới trẻ, chỉ khoảng 5h chạy xe máy là về tới Hà Nội. Hơn nữa dọc con đường 32, du khách có thể ghé check in đồi chè ở Thanh Sơn hoặc Long Cốc, Phú Thọ, đó cũng là những điểm dừng chân thư giãn thú vị sau chặng đường trường.

Posted in Uncategorized | Leave a comment

Hà Nội-Mù Căng Chải-Trạm Tấu, 9/2020

Share

Mọi khi đi tour đến Mù Căng Chải thì toàn đến trước hoặc sau mùa lúa, vì vậy mình chưa có dịp ngắm lúa ở đây. Dịch bệnh Covid lại là cơ hội hiếm có để dạo chơi trên những cánh đồng bát ngát. Mình tính đi chụp ảnh nên đi xe máy cho chủ động, địa hình Mù Căng Chải toàn đồi với núi, nhiều chỗ dốc ngược nhất là lúc vào bản. Thời tiết được dự báo là sẽ mưa trong nhiều ngày liền, thực tế là có mưa thật và đôi lúc mưa rất to do ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 5.
Đường xá tương đối tốt, từ Hà Nội đi Mù Căng Chải chạy theo đường Thanh Sơn- Thu Cúc- Nghĩa Lộ. Mọi khi đi tour qua đây, lần nào mình cũng dừng cho khách đi bộ tham quan đồi chè, cho khách nếm nước mía. Người Pháp không biết món này, họ nói chung e dè khi uống nước pha chế trên vỉa hè. Mình phải gạ gẫm mới dám uống. Uống xong thực khách …đòi cốc nữa! Ăn trưa ở Nghĩa Lộ rồi tiếp tục lên Tú Lệ, theo kế hoạch mình tham quan làng bản phía bên kia quả núi mà chưa lần nào mình đến. Ở đây người dân đang gặt lúa, chắc độ 10 ngày nữa là hết lúa (?). Quanh Tú Lệ có nhiều góc chụp đẹp, có cả ngày ở đây mà chụp thì tuyệt vời. Sau chuyến đi này, mình nhận ra tối thiểu ở lại một xã hay thôn bản cả ngày mới đủ để chụp ảnh.

Khách du lịch đến Mù Căng Chải ngày càng đông, phát sinh nhu cầu ăn ngủ nghỉ. Mình thích ngủ ở homestay hơn khách sạn. Bà con tận dụng nhà sàn cũ hay xây nhà mới làm dịch vụ, đa số đã làm thêm nhà vệ sinh cả trên cả dưới để tiện cho sinh hoạt. Một căn nhà sàn có thể chứa được 25-30 khách đoàn đi đông thì nên thuê cả sàn cho tiện, giá cả từ 80-100k/n, đấy là giá trong bản, ở ngoài đường hoặc trong thi trấn có thể cao hơn chút tùy vị trí. Ăn uống cũng chỉ loanh quanh 100k/b. Dịch vụ xe ôm ở Mù Căng Chải rất phát triển, giá cả rẻ, khách không tự đi được thì cứ thuê hẳn 1 xe ôm kiêm hướng dẫn viên đi chơi cả ngày.

Trang face này chuyên đánh giá, liệt kê các điểm ăn ngủ nghỉ đi lại ở Mù Căng Chải, mình tìm thấy nhiều thông tin hữu ích, cập nhật tình hình lúa chín ở Mù Căng Chải:
https://www.facebook.com/groups/reviewmucangchaiandnghialo/about

Để tìm kiếm homestay, ngoài việc sớt trên google, mình có thể dùng google maps. Cách này đôi khi còn tác dụng hơn là trên mạng, vì trên đà phát triển có nhiều homestay mới, địa điểm tốt, thuân lợi đi lại, nhà xây xong đã được định vị trên google maps. Chỉ cần phóng to nơi mình đến là có thể dễ dàng nhìn thấy trên bản đồ, việc còn lại là bấm chọn và đi theo nó.

Mù Căng Chải có những điểm tham quan ruộng bậc thang tuyệt đẹp, đó là La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình, Kim Nọi. Lúa ở đây được trồng không cùng thời điểm, vì vậy có chỗ ruộng chuẩn bị chín vàng, có chỗ vẫn còn xanh mướt, thậm chí có chỗ đã gặt. Hiện giờ có vài mâm xôi to nhỏ khác nhau ở Mù Căng Chải, cứ ruộng tròn tròn trên đỉnh đồi núi là được gọi là mâm xôi. Cứ đà này thì trong tương lai gần, sẽ có nhiều mâm xôi xinh xắn xuất hiện.

Ngoài Mù Căng Chải, gần đây người ta hay nói đến Trạm Tấu, một huyện lỵ của Yên Bái cách thị xã Nghĩa Lộ 40 km. Vùng này cũng có nhiều ruộng bậc thang, tôi đánh giá nó như Pù Luông thứ hai. Con đường nối Trạm Tấu với Tà Xùa, Bắc Yên nếu được cải tạo thì trong tương lai gần, khách du lịch sẽ đến Trạm Tấu nhiều hơn.

Posted in Mù Căng Chải, Uncategorized | Tagged , , , , , , | Leave a comment

Hà Nội – Phá Tam Giang – Hội An – Phong Nha – Hà Nội, 7/2020

Share

Đây là chuyến nghỉ hè của gia đình sau dịch Covid. Xe cộ chuẩn bị bảo dưỡng trước hơn 2 tuần, đảm bảo máy móc ngon lành cho một hành trình dài.

Ngày đầu tiên dự định xuất phát sớm từ 6h00 cho vắng đường, nhưng phải đến 9h00 mới khởi hành được. Xe chạy một lèo đến Hà Tĩnh, vì tính là sẽ thưởng ngoạn hoàng hôn vào ngày hôm sau ở phá Tam Giang, Huế. Ăn trưa luôn trên xe, tài ăn sau cùng, riêng việc này cũng tiết kiệm khá nhiều thời gian cho hành trình.


Ngày thứ hai, định bụng dậy sớm để ngắm bình minh nhưng ngủ quên mất…hihi. Thôi không sao, còn nhiều dịp, mình hay tự an ủi như vậy. 10h15 đoàn tiếp tục lên đường, đường tốt và rất vắng xe, vắng cả cảnh sát giao thông nữa, hay tại trời nóng quá nhỉ? Điều dễ nhận thấy là dọc đường, rất nhiều hàng quán đóng cửa, tại dịch đây mà. Ăn trưa tại một quán ven đường, nếm mấy loại bánh bèo, bánh khoái, bún thịt nướng ngon phết.

Xe vào đến Thuân An tầm 5h30, đúng lúc mặt trời lặn sát chân trời. Cảnh sắc rất tuyệt, mình cũng hiếm khi được nhìn thấy như vậy- dân thành phố ít có cơ hội ngắm cảnh thiên nhiên như thế này. Mặt trời đỏ au, hấp dẫn rất khó tả. Mình rất muốn dừng lại để chụp ảnh nhưng cần phải về check in khách sạn cái đã, ngày mai xem bù cũng được.


Sáng sớm ra biển Thuận An ngắm bình minh, ra hơn trễ, bỏ qua mất đoạn ông mặt trời hắt những tia nắng đầu tiên. Nhưng cũng là lần đầu mình ngắm ánh sáng ban mai với hình dáng rất khác lạ, tia sáng đỏ nhạt xòe ra như nan quạt rất đẹp. Trên bờ biển bà con đua nhau thể hiện với các tư thế chìa tay, bĩu môi, nhảy xếch các kiểu. Mình thì tranh thủ chụp ảnh, thay đổi thông số máy, mong ghi lại được vài khung hình tử tế. Lúc chụp cả nhà xong mới phát hiện ra quên không để chế độ hẹn giờ nên chụp vẫn thiếu mình, hic!

Ngày thứ ba là ngày khám phá đầm phá Tam Giang, xem trên google maps thì thấy quanh vùng còn nhiều đầm khác cũng rất to, nhưng có vẻ du khách thích đến Tam Giang hơn. Hì hụi tìm thông tin về việc thuê thuyền đi thăm đầm nhưng không thấy, phải nhờ đến sự trợ giúp của đồng nghiệp ở Huế. Trong tích tắc, bạn ấy gửi cho mình 2 số để liên hệ. Thế là buổi chiều 3h20, cả nhà xuất phát đi phá Tam Giang, chủ thuyền làm homstay nhưng vì coviđ nên không có khách tây dịp này. Có lẽ đoàn nhà mình là khách nội hiếm hoi dịp này. Trong lúc chờ đợi ra thuyền, hai mẹ con lấy xe đạp đạp 1 vòng quanh ruộng gần nhà. Loanh quanh thế nào lạc mất đường về, phải gọi về homestay nhờ gia chủ ra đón…,. Cũng may 5h00 về kịp để ra thuyền thăm phá.



Vùng phá Tam Giang gần đây được khách Âu tìm đến, đúng gu khách Pháp, hoang sơ, đẹp, dân bản địa tốt bụng và hiếu khách. Vùng này chắc chắn sẽ hút khách Âu và không ít khách nội đến chụp ảnh.

Làng bích họa ngư Mỹ Thạnh

Ngày thứ tư, cả nhà quyết định vượt đèo Hải Vân, không đi hầm để ngắm cảnh. Mặt đường đèo tương đối tốt, dốc vừa phải. Xe Getz của nhà tuy chỉ có 1.0 nhưng leo đèo khỏe phết, vẫn để điều hòa bình thường. Mình dừng ở đỉnh đèo để check-in, chụp ảnh với các cháu. Hôm nay mình quên mất không dừng xe ngắm làng hủi từ trên cao, nghe nói mấy năm trước Đà Nẵng đã di dời người dân về thành phố, xây dựng nhà cửa để ở nhưng dân bản địa lại dị nghị. Kể cũng không trách được họ, ít nhiều có sự xa lánh.

Trước lúc leo đèo Hải Vân, mình cũng định lên Bạch Mã nhưng tính lại thấy không ổn, lên rồi xuống sẽ về Hội An muộn. Hồi năm 2003 mình đã lái Matiz lên Bạch Mã. Hồi đó vừa lấy bằng lái xe xong đi luôn. Dạo ấy đường chưa làm lại, chất lượng mặt đường rất kém, nhưng kệ mình vẫn cứ đạp ga lên. Từ hồi đó đến giờ mình chưa quay lại, chắc khung cảnh thay đổi nhiều rồi?

Khoảng 14h30 mình về đến Hội An. Lác đác có vài hàng quán đóng cửa, khách du lịch tập trung chủ yếu khu trung tâm. Từ vài năm nay, Hội An có thêm một loại đồ uống có vị đặc biệt, rất ngon lành, dễ uống gọi là trà Mót. Nó là một loại đồ uống pha trộn từ cây sả, quế, thảo mộc… vv (Tham khảo : https://bloghoian.com/am-thuc-hoi-an/tra-mot-hoi-an/). Tên gọi Mót hóa ra là tên ông chủ quán quen gọi từ nhỏ.

Buổi tối cả nhà đi dạo quanh phố rồi đi ăn. Có người mời đi thuyền thả đèn hoa đăng nhưng không ai đi. Mình thì nghĩ hội hoa đăng thực ra lại là nơi xả rác ra sông chứ béo bở gì đâu. Thả một đống giấy, ny lông, tre nứa, nến… trên sông ròi chúng trôi đi đâu? mà mới mật độ thả giây đặc thì chắc chắn chỉ làm ô nhiễm sông mà thôi.

Ngày thứ năm, chọn một ngày vui chơi ở Hội An. Định ra biển sớm để đón bình mình, nhưng các mầm non dậy muộn quá nên lúc ra đến nơi ông mặt trời đã leo lên cao, nóng ơi là nóng. Dù sao ra biển hóng gió uống nước dừa vẫn khoái hơn ở khách sạn. Bữa trưa, cả nhà ăn theo thực đơn có sẵn. Nhân viên khách sạn dọn ra toàn đĩa to đại, tự dưng họ làm mình nhớ đến hồi 2003 sang Pháp, ăn trưa ở bãi biển Monpellier, chủ quán dọn ra một đĩa sa lát to gần bằng cái … lồng bàn!

Chiều muộn cả nhà phi vào Vinpearl Hội An chơi. Chơi một vòng các trò chơi. Ân tượng nhất có lẽ là chuyến thăm safarie, kiểu một dạng vườn thú tự nhiên. Ở đây khách tham quan được nhìn thấy khung cảnh sống tự nhiên của các loài động vật gồm vẹt, hổ, sư tử, hươu nai, gấu, ngựa vằn… hay phết.

Ngày thứ sáu, sáng dậy ra biển An Bàng hóng gió. Định bụng sui bọn trẻ ra biển sớm để ngắm bình minh nhưng chẳng đứa nào muốn đi nên dậy muộn. Ra biển cũng là lúc trời bắt đầu nắng nóng, mấy bố con loanh quanh nghịch cát một lúc rồi về khách sạn chuẩn bị hành lý. Đến gần trưa cả nhà lóc cóc đạp xe vào trung tâm ăn trưa. Tìm được một quán cơm gà, mấy bố con gọi 2 đĩa ăn chung cho gọn. Phải nói là món cơm gà trong Hội An ngon thật, thịt gà mềm ăn với cơm rất vào. Mấy hôm ở Hội An mình không thấy quán bánh mỳ Hội An mà mình hay ăn ở Hà Nội. Không biết nó nằm chỗ nào nhưng tuyệt nhiên không nhìn thấy?

Lâu lâu mình mới vào Hội An nhưng cảm nhận đầu tiên là thị xã sạch, con người hiền lành thân thiện. Ở đây mình chỉ thấy có đúng 1 điểm cho thuê xe đạp cho trẻ em tầm 8-12. Dường như dân người ta sợ cho trẻ em đi xe đạp thì phải, một chủ cửa hàng cho thuê xe đạp cho biết.

Chiều mấy bố con ra Đà Nẵng, kết thúc mấy ngày lưu trú ở Hội An. Hẹn gặp lại vào năm sau.

Chiều ở bãi biển Mỹ Khê khá đông khách. Mình chọn khu công cộng (miễn phí vé vào cửa). Khu này vắng khách hơn hẳn mấy khu xung quanh, mình lại thích thế, đi tắm biển cần sự yên tĩnh. Cuối bãi phía dưới có 1 nhóm khách rất đông đang chơi team bulding, nhạc nhẽo rất sôi động. Còn bên phía bãi đầu dãy cực đông khách. Sau này mình mới phát hiện ra là tại sao chỗ ấy lại đông, rất đơn giản là vì dọc biển Đà Nẵng toàn nhà cao tầng, nhà cao góp phần che bớt ánh nắng mặt trời, ít nhiều giảm cái nóng của miền Trung. Phía bên công cộng thì không có nhà nào án ngữ nên hưởng hết ánh sáng của thiên nhiên.

Bãi biển sạch, nước trong, rác rất ít, cát mịn, hạ tầng tốt, thế là đủ cho nhu cầu tối thiểu của khách vãng lai. Mình chỉ không thích một điều duy nhất là vẫn còn tình trạng loa của hàng bán rong oang oang dọc theo đường biển.

Tối mấy bố con chén món dê Ninh Bình, nhà bếp nấu đại loại ngon như ở Ninh Bình.

Ngày thứ bảy, ăn sáng tại phòng xong mấy bố con đi thăm bán đảo Sơn Trà, cách trung tầm hơn chục km. Ở gần đỉnh bán đảo nhìn được gần hết thành phố Đà Nẵng. Thành phố nhìn khá chỉn chu, ngoài trừ lô nhà cao tầng gần biển, còn lại đa số là nhà thấp tầng, nhìn đều chằn chặn. Đường lên Sơn Trà dốc thoai thoải, xe ô tô chạy thoải mái nhưng xe ga thì bị cầm vì lý do an toàn. Theo mình thì do kỹ năng điều khiển thôi chứ không phải do kỹ thuật của xe, đặc biệt là xe ga. Đoạn xuống dốc thì có đôi chỗ rất dốc, về số 1 những vẫn phải đệm phanh. Gần chùa Linh Ứng có một điểm có nhiều khỉ la cà ở đám cây ven đường. Chắc bọn chúng hay được cho ăn nên ngồi chờ khách đến từ lâu, có con ngồi ngay vỉa hè. Mình đến gần chụp ảnh mà bọn chúng cứ ngồi im, cứ như là đợi được chén một bữa.


Chiều muộn muộn, mấy bố con lôi nhau ra biển chơi. Mình tranh thủ bấm được ít ảnh thằng cu làm kỷ niệm. Tối thì gọi ship đồ ăn, đỡ phải ra đường.

Sáng mai lên đường ra Huế, tiện thể ghé thăm mộ người nhà. Cuối ngày đến Quảng Bình.

Ngày thứ tám-thứ 7, khoảng 9h30 mới xuất phát, vào đến Huế, mình ghé qua núi Ngự Bình thăp hương cho bà nội và chú ruột chôn ở đây. Vị trí mộ mình đã định vị trên google maps.

5h20 chiều tới Phong Nha, ăn trưa trên xe luôn, tiết kiệm kha khá thời gian nếu dừng ăn trưa. Chạy trong cái nóng hừng hực của tháng 7, mình phải dùng bình sịt nước cho mát mặt.

Ngày thứ chín-chủ nhật, cả nhà dậy ăn sáng, chuẩn bị cho tour khám phá Trạ Áng, một tour trecking siêu nhẹ trong rừng, bơi 600 m trong hang tối om, chèo kayak.

Tour này rất phù hợp với gia đình có trẻ em, nhẹ nhàng và dễ thực hiện. Thú vị nhất là đoạn bơi trong hang tối, mỗi người đều phải mặc áo phao và đeo đèn trên trán. Đền mà hết điện thi khỏi nhìn thấy gì luôn. Nước trong hang mát lạnh, cảm giác rất dễ chịu. Nước trong hang chảy chậm vào mùa này. Mùa mưa nước ngập lên rất nhanh trong hang, tuy nhiên nếu mình có bơi vào hang trong lúc nước ngập thì luồng nước sẽ đẩy mình ra cửa hang, yên tâm! Bữa trưa picnic có xôi, cơm, thỉt gà nướng, đồ uống tươm tất. Chiều cả nhà chèo Kayak độ 1h. Tụi trẻ con loay hoay với mái chèo một lúc rồi cũng biết chèo. Đứa lớn nhà mình tinh nghịch còn ngồi sát ra mũi thuyền, bố cháu cũng a dua ngồi sát lên với nó làm cho thuyền chồng đuôi lên khỏi mặt nước. Mình dặn cháu nếu có lật thuyền thì bơi thôi hihi.

Đoạn đi về homstay, xe có chạy qua một chỗ có vụ tai nạn ô tô khách mười mấy người chết. Sau này được biết lái xe uống rượu và chỉ có bằng B2 (loại bằng chỉ được lái xe dưới 9c và xe tải tối đa 3,5 tấn)
(còn tiếp…). Kinh dị thật!

Ngày thứ mười, thứ hai, ngày cuối cùng của hành trình, cả nhà dậy đạp xe đạp một vòng quanh thị trấn, rồi về chuẩn bị hành lý. 9h lên đường, xe chạy một lèo về Hà Nội, chỉ dừng mua nước, đổ xăng, đi vệ sinh, ăn trưa luôn trên xe. Về đến nhà tầm 19h45 (tính cả 45 phút rẽ nhầm đường lên cầu Thanh Trì). Kết thúc hành trình 1940 km an toàn và sảng khoái. Hẹn chuyến xuyên Việt lần sau.

Posted in Uncategorized | Leave a comment

Hà Nội-Đường Lâm-Ninh Bình-Hà Nội, 8/2019

Share

Lâu lắm mình mới gặp được khách cực kỳ dễ thương, tính tình hài hước, đi tour thực sự thoải mái. Trời đẹp, hơi nóng một chút nhưng khách vui tính nên cũng chịu được. Hôm ở Ninh Bình, đi thăm Đinh Lê xong, khách vã mồ hôi, bà khách bảo tao không nghĩ là sẽ đạp xe và thăm Bích Động nữa đâu, mày cho bọn tao đi Vân Long luôn đi. Ok!


Có lẽ trời nóng quá nên bọn voọc không ra, tour này mình không gặp con nào ở Vân Long cả. Khách được dịp thử chèo thuyền, thuyền quay vòng tròn hoặc đi dích dắc rât ấn tượng. Được một lúc khách oải quá bảo: bó tay mày ạ! Tao không thể nào điều khiển được nó.

Ngày đi Hạ Long thời tiết cũng đẹp, khách sướng tê người, cứ khen ngợi công ty tổ chức tour tốt, hướng dẫn luôn đúng giờ…,. Chiều nay tiễn bay không hướng dẫn, khách vẫn không quên gửi lời cám ơn mình vì những ngày tốt đẹp vừa qua.

Posted in Uncategorized | Tagged , , , , | Leave a comment

Hà Nội-Pù Luông-Ninh Bình-tiễn bay, 7/2019

Share

Lần đầu mình gặp khách hàng như vậy, là một gia đình yêu thích công nghệ đặc biệt, cả nhà rất lạnh lùng, không ai nói với ai câu nào trừ khi có vấn đề thì phải(?)

Cả tour toàn thấy ông chồng chất vấn bà vợ, tại sao thế này mà không thế kia… được cái bà vợ hiền lành, trả lời chồng rất từ tốn, không một chút thái độ. Tụi trẻ con cực kỳ ít nói, cười cũng han chế. Có lần vào buổi chiều ở Pù Luông, lúc đó khoảng 4h, mình bảo khách là ông bà có muốn đi một vòng nữa không, nhân tiện hướng dẫn địa phương đang ở đây (mình đã dặn local guide trước rồi)? Bà khách rút điện thoại ra … chát với cả nhà đang ở trong bungalow cách đó 5m. Một lúc sau bà ý bảo chúng nó đồng ý rồi! Lạ thật, mình chưa thấy ai thế bao giờ, kể cả ở Việt Nam.

Cũng nhờ đi thêm 1h nữa mình mới được khám phá thêm 1 cung đường rất đẹp, ngay gần Pù Luông Home, đường bê tông nhưng chỉ đi bộ hoặc xe máy thôi, đi men theo đồi núi ở bản Đôn.

2 ngày ở Pù Luông đều có mưa rả rích, ban đêm mưa to, khách không ngủ được nên dậy muộn. Khách đề nghị chọn 1 cung đường dễ đi, bằng phẳng. Cũng may là theo chương trình, ngày thứ 2 toàn đường bằng bằng hoặc xuống dốc. Tầm trưa đoàn về đến Phố Đoàn ăn trưa, khách với hướng dẫn đẫm mồ hôi. Chiều tiếp tục hành trình ra bến đò, khách đồng ý không đi bộ và bỏ cả thăm cầu treo vì theo lời hướng dẫn địa phương trời mưa đường rất xấu. Đoàn dùng ô tô đi ra bờ ruộng rồi đi bộ đến chỗ guồng nước rồi đi xe ra bến đò đi mảng. Đoạn đi mảng này cũng không có gì ấn tượng cho lắm. Đoàn về tới Pù Luông Home khoảng 3h30. Sau đó đoàn đi bộ tiếp 1 cung khác ở gần bản Đôn, cung này rất đẹp và chắc không có khách du lịch qua đoạn này. Mình chụp ảnh đánh dấu chỗ rẽ để lúc nào có dịp trở lại, còn có cái để nói với hướng dẫn địa phương đi lối đó. 5h chiều kết thúc hành trình thăm Pù Luông, thế là quá đủ cho 1 tour đi treck.

Ngày hôm sau, mưa vẫn rơi, khách vẫn đi đầy đủ chương trình, làm cả diều. Diều của khách làm xong nếu có thả, chắc sẽ bổ nhào xuống đất luôn. Mà thôi cũng không sao, khách làm cho biết, khách còn tặng lại diều cho khách sạn khi ra xe về Hà Nội.

Posted in Uncategorized | Leave a comment

Làng Ước Lễ, làng Vác và làng Chuông 11/2018

Share

Khách tây dần dần tìm đến các làng quê quanh Hà Nội, phần vì tò mò, phần vì thích thưởng ngoạn cuộc sống dân giã nơi thôn quê yên bình. Có mấy làng nổi tiếng nhất là Bát Tràng, Đường Lâm và Đông Ngạc là hay được nhắc đến trong các tour city.

Thời gian gần đây, khách tây bắt đầu chú ý tới ba làng Ước Lễ, làng Vác và làng Chuông ở huyện Thanh Oai, ngoại thành Hà Nội. Hành trình ngắn, chỉ mất khoảng 1h xe chạy. Đường xá tốt tính từ khu đô thị Xa La tới điểm rẽ vào làng. Cả ba làng đều nằm trên một vòng cung nên du khách có thể bắt đầu tour từ làng Ước Lễ hay từ làng Chuông đều được. Riêng làng Chuông, nếu khách muốn xem chợ phiên thì cần phải có mặt từ rất sớm, chợ họp từ  5h đến 7h sáng. Như vậy khách ít nhất cần rời khách sạn từ 5h sáng để có mặt tại chợ từ khoảng 6h. Chợ phiên chính hợp vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24, 30 âm lịch. Chợ phụ họp vào các ngày 1, 3, 6, 8 âm lịch. Do giá làm nón rất rẻ nên bà con dân làng thích họp chợ phiên chính hơn, đông vui hơn. Thời gian làm xong 1 cái nón thành phẩm hết khoảng 7h, mất quá nhiều thời gian và công sức nên dân làng cũng bớt mặn mà với công việc truyền thống này. Cả làng nhà nào cũng làm, nhưng nhiều công đoạn chuyên biệt được chia sẻ cho các hộ trong làng. Có hộ làm các loại nón có hoa văn theo kiểu nước ngoài để dễ bán với giá cao hơn.

Từ làng Chuông sang làng Vác
Làng Vác là nơi có đông dân cư sinh sống, xung quanh làng toàn ruộng. Làng này làm lồng chim có tiếng. Đường chạy qua làng đang được nâng cấp, xe tải chạy rầm rầm, khách đi vào dịp này chắc phải đeo khẩu trang. Nhìn đường đoán nhanh cũng phải sau tết mới xong.
Tôi được bà con chỉ cho 1 cơ sở chuyên làm lồng chim ở thôn Thiên Văn, nhà vừa ở vừa sản xuất. Nhà ngoài nhỏ nhưng vào trong mới thấy quy mô của xưởng, nhiều máy móc dụng cụ sản xuất. Chủ nhà chỉ cho tôi chụp ảnh một phần của xưởng, một góc khác không được chụp vì có nhiều phương tiện cơ khí chuyên dụng. Giá xuất xưởng một lồng chim loại nhỏ khoảng 700k, lên đến Hà Nội tầm 1-1,2 triệu. Lồng giá cao như vậy vì được trang trí nhiều họa tiết đẹp mắt, tất cả đều được làm bằng máy. Xưởng chỉ làm một phần trong các công đoạn sản xuất thành phẩm, một số vật liệu được gia công tại các hộ trong thôn, sau đó lắp ráp tại xưởng. Làm cách này đảm bảo thời gian và giá thành hợp lý hơn.

Từ làng Vác sang làng Ước Lễ
Khoảng cách chỉ vài km đường , đến ngã 3 rẽ phải vào làng văn hóa Phúc Thụy. Không biết người ta thêm cái chữ văn hóa vào làng để làm gì nhỉ? Làng vẫn là làng, văn hóa nó ẩn chứa trong từng con người, từng bài hát từng làn điệu dân ca, người dân hiền lành chất phác… thế là đủ rồi nhỉ?
Nhắc đến làng Ước Lễ thì chắc ai cũng nghe tiếng, làng chuyên làm giò chả. Trước đây cả làng ai cũng làm, giờ chỉ còn 2 nhà làm tương đối thường xuyên. Câu chuyện là mọi người đem kỹ thuật sản xuất đến các địa điểm khác ở thành phố Hà Nội chẳng hạn để hành nghề, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại chỗ nhanh gọn, tiết kiệm chi phí vận chuyển. Vì thế vào làng thấy rất vắng người, nhiều nhà cửa đóng then cài.
Làng Ước Lễ còn giữ được nhiều nhà xây từ thời Pháp thuộc. Cổng chính được trang trí nhiều họa tiết rất đẹp, tôi thấy có lẽ tất cả các mặt nhà đều được gia chủ chăm sóc cẩn thận, sơn sửa đâu ra đấy và quan trọng là giữ gìn nét kiến trúc ban đầu. Nhiều nhà ngói xây mới nhưng vẫn thấp thoáng tấm bình phong ở thềm nhà, vừa chắn nắng, vừa làm chức năng điều hòa không khí cho căn nhà.
Làng sạch sẽ từ trong ra ngoài, không có mùi giò chả….

Ảnh làng Vác

(Ảnh làng Ước Lễ)

Ảnh làng Chuông 

Posted in Uncategorized | Tagged , , , , , , | 2 Comments

Hà Nội-Mai Châu -Ninh Bình-Bắc Hà-Hà Giang-Cao Bằng-hồ Ba Bể-Hạ Long, 10/2018

Share

Bình thường mọi năm tháng 10 rất đông khách Pháp, nhưng không hiểu sao năm nay khách sang ít, chủ yếu họ sang vào tuần cuối của tháng 10 trở đi. 

Khách lần đầu sang Việt Nam. Tuy họ đã tham khảo phim ảnh, tài liệu về Việt Nam trước khi đi, nhưng khi họ nhìn thấy cuộc sống của cư dân bản Cốc Xả thì họ ngỡ ngàng, hơi sốc nữa. Dân ở đây sống rất nghèo, trai trẻ thì đi làm xa, ở bản chỉ còn lại trẻ con và người tầm tuổi trung niên.  Mình nói chuyện với vài người ở bản thì có người biết tiếng Việt, có  người không. Dạo quanh bản một vòng, mình dẫn khách vào một nhà người Lô Lô để cho khách giao lưu. Tình cờ cả nhà họ đang quần tụ bên bếp lửa nấu cám lợn. Mỗi người một việc: một bác già nhất đang sửa vải, chị con dâu đang quấn sợi, bà chủ nhà đang chăm chút cho bếp lửa, cậu con trai đang trầm tư, cậu này lại thạo tiếng Việt nhất nhà. Theo chương trình, khách sẽ thăm bản Khuổi Khon, Bảo Lạc nhưng trong đoàn có một khách bị đau chân nên chuyển sang đi Cốc Xả cho dễ đi. Vào bản chơn tuồn tuột vì hôm trước có mưa, cũng may không ai bị ngã.

Cuối tour khách đi Hạ Long. Trong khoảng 2 năm nay Hạ Long xây dựng quá nhiều. Đứng ở khu vực Bãi Cháy không nhìn thấy biển đâu…!

Posted in Uncategorized | 1 Comment

Giải VOC 2018, làng văn hóa các dân tộc Việt Nam

Share

Cuộc đua bắt đầu từ ngày 29/9/2018 đến ngày 30/9/2018 tại làng Văn Hóa CDTVN. Đây là giải đấu xe địa hình được tổ chức hàng năm, khởi nguồn từ giải Vô Lăng Vàng của diễn đàn otofun.net

Diễu hành khai mạc giải VOC 2018

Hơn 10 năm về trước, các thành viên của đội offroad trong OF thường xuyên tổ chức các chuyến luyện tập tại đường tăng ở Xuân Mai, Hòa Bình. Cung đường này có  nhiều dốc, có hồ nước, cây cối rậm rạp phù hợp với… xe tăng hơn là 4 bánh. Hồi đó anh em offroad dùng Gaz69, Toyota 4×4, Patrol… chứ chưa có bán tải như bây giờ. Tôi  còn nhớ cụ Gaz69 dùng silicon bôi vào bộ dây cao áp để tránh nước.

Phong trào offroad rộ lên vài năm, với sự tham gia của nhiều chã và giống mới (cách gọi tài và lái phụ), xe cộ cũng đủ loại, kể cả loại cắt gọt (nôm na là xe được chế lại). Rồi các chuyến từ thiện cuối năm của OF và diễn đàn từ thiện nguoitoicuumang diễn ra đều đặn là dịp anh em đội offroad thể hiện trình độ khi đi vào những bản làng xa xôi, đó là những nơi mà xe bình thường không vào được, hoặc nếu xe vào được thì chã cũng không phải người bình thường (hihi). Ví dụ năm 2010, khi đoàn xe vào đến đồn Ka Lăng ở Lai Châu, bác trưởng đồn bảo đây là lần đầu tiên tôi thấy 1 xe gầm thấp lên đến đây (xe Kia New Caren của cụ Lybo). Sau chuyến đi này, xe của cụ lybo phải thay hết cả dàn lốp.

Trở lại với đường đua của giải VOC 2018, năm nay bài thi có một số điểm mới, khó hơn năm ngoái, giải có sự tham gia của đội Lào, Nga và Hàn Quốc. Như mọi năm, đội Lào luôn xuất hiện với một đội hình đầy đủ, từ xe đua đến hậu cần nhưng kết quả còn thua xa tốp đầu.

Nhìn tổng thể các bài thi, có lẽ khó nhất là bài thi số 7. Xe phải xuống một dốc đứng 90 độ. Gần như tất cả các xe đều bị tai nạn khi thực hiện bài này. Duy nhất có 1 xe hạ cánh an toàn bằng chiến thuật cắm đầu xuống dốc từ từ. Tài đặt 1 bánh vào vách dốc để giảm tốc độ, rồi dần dần xuống đất an toàn trong tiếng hò reo cổ vũ của đông đảo khán giả.

Bài thi số 8 là bài khá khó. Xe phải cua qua góc cua gần vuông rất hẹp. Xe bắt buộc phải đi nghiêng. Có tài đã nghĩ ra cách vượt qua góc cua này bằng cách dùng tời ngay lúc vào cua. 

Bài thi số 10 là bài leo đá. Đây là bài gây sốt nhất cho khán giả vì sự nguy hiểm của nó. Xe phải leo qua 2 chồng đá tảng với sự trợ giúp của tời và 2 ván bằng kim loại

Vài hình ảnh khác

link kết quả VOC 2018 :https://www.otofun.net/threads/ket-qua-thi-dau-tai-voc-2018.1398817/

Posted in Uncategorized | Leave a comment

City-Sapa-Ninh Bình-Hạ Long, 1/2018

Share

Lâu lắm mới gặp khách cực kỳ dễ chịu. Không bao giờ phàn nàn, tự hài lòng với cái mình có, chập nhận tình huống thay đổi theo cách tích cực nhất có thế.

Thông thường trong một tour riêng, nếu chương trình bị thay đổi, khác với hành trình định sẵn, khách sẽ phản ánh gay gắt với công ty. Nhưng ở đây, khách lại phản ứng trái ngược hẳn kiểu như “Tôi phải chấp nhận thôi chứ làm sao bây giờ”. Khách Pháp thuộc dạng khách khó tính trong dòng khách Âu, nếu không muốn nói là rất khó tính. Có rất nhiều người mình gặp, hơi một tí là tỏ thái độ không hài lòng. Có thể thông tin mình đề cập đến chuyện hành trình không thể tiếp tục như đã định vì tàu không được di chuyển sang vùng khác, nên khách đành phải chấp nhận? Trong vòng 2 phút giải thích, khách ok ngay với tâm trạng rất vui vẻ, đã thế khách lại còn trêu lại lái tàu là anh sang Pháp đi núi, sang đến nơi tôi sẽ bảo chương trình thay đổi- đi xuống biển. Cũng có nhiều chi tiết có thể làm cho khách dễ chấp nhận thay đổi. Ví dụ nhìn bản đồ vùng Hạ Long, tàu sẽ chạy theo cung Lan Hạ, qua Đầu Bê vào gần Ba Trái Đào, mất nửa ngày, nửa ngày còn lại chèo thuyền. Cung này qua rất nhiều đảo, đường đi ngoằn nghèo nên có thể làm khách tò mò…,. Khách bà thì bảo theo chương trình, tôi được biết là tàu chạy sang Bái Tử Long sẽ nhìn được toàn vùng vịnh. Mình nói ngay là đó cách nói quảng cáo, chứ tầm nhìn của mình chắc chỉ được 10 km chứ mấy, lại còn phụ thuộc thời tiết nữa. Khách ông chêm vào mấy câu đùa cợt làm quý bà gật đầu luôn, không thắc mắc gì nữa. Vậy là vấn đề thay đổi hành trình tàu 3n2d đã giải quyết xong rất nhanh.

Vùng vịnh Lan Hạ thực sự hấp dẫn hơn bên Hạ Long. Mật độ núi dầy đặc, tàu bè ít, lại có thêm đảo Cát Bà nữa. Có lẽ tầm 5 năm nữa, nơi này sẽ rất đông khách. Phía Hạ Long, trên bờ giờ như phố rồi, công trình xây dựng khắp nơi, có nhiều chỗ mới xây dựng che hết biển, mật độ xây dựng rất cao và còn tiếp tục xây. Nơi nghĩ dưỡng cần yên tĩnh thì lại trở thành cái chợ… biển!

Khách vốn là dân chèo kayak đây kinh nghiệm. Họ bảo mái chèo (ở Cát Bà) không đúng quy cách, phần chèo ngắn, đúng ra phải rộng hơn khoảng 10 -15 cm nữa. Mình bắt chiếc họ chọn mái chèo loại có cái vòng chặn nước, loại này giúp chặn nước không chảy vào tay khi chèo. Trong cả đống mái chèo, chỉ có độ 5 cái chèo kiểu này. Họ chỉ cho mình xem loại kayak 1 chỗ ngồi, kiểu thân rộng, to bè ở Cát Bà không phải là kayak, chỉ có thể gọi nó là thuyền đi biển mà thôi, kiểu dạng đàn em của kayak xịn. Họ chỉ mình cách chèo một bên thuyền mà thuyền vẫn đi thẳng được. Mình thử một lúc thì thấy khả dĩ làm được, nhưng tất nhiên cần tập nhiều mới ngon lành được.

Nhớ hôm city, mình và khách đứng ở Bờ Hồ, ông khách bảo chờ tôi tí, tôi sang bên kia đường chụp cái cầu, ok ngay! Quay đi quay lại không thấy ông khách đâu, chờ mãi vẫn không thấy. Mình và bà khách đành đi tìm về hướng cầu Thê Húc. Đi đến gần cầu vẫn không thấy phải quay lại. Mình bảo bà khách đợi ở cạnh Thủy Tạ, mình đi tiếp đến tận gần nhà hát Múa Rối nước Bông Sen mới quay lại. May lúc về thấy khách đứng cạnh bà vợ. Sau vụ đó, mình luôn để ý đến bác ý, luôn cho bác ý vào tầm mắt.

Sau tour của mình, khách sẽ tiếp tục hành trình vào Nam. Chúc khách có một kỳ nghỉ như ý.

Posted in Uncategorized | Tagged , , , | 2 Comments

Tây Trang – Luông Phabang – Vientian – Cầu Treo – Làng Sen – Hà Nội, 11/2017

Share

Lái xe ở một đất nước xa lạ thật thú vị. Mỗi chặng chạy tầm 350 km, tuy không nhiều nhưng được trải nghiệm cuộc sống khác lạ.
Hàng trình tự lái hơn 2000 km từ Hà Nội lên Điện Biên, vào đất Lào qua cửa khẩu Tây Trang, đi tiếp xuống Luông Phabang (tên đúng là Luong Prabang), tiếp tục chạy về thủ đô Vientian và cuối cùng về Cầu Treo đúng 3h45. Mất 30 phút để làm thủ tục nhập cảnh người và xe. Mất thêm gần 90 km là về đến Vinh. Thành viên trong đoàn thay nhau lái để đảm bảo an toàn.

Cảm giác về đến đất Việt bằng đường bộ kể cũng thấy là lạ, một cảm xúc bâng khuâng thế nào đó giống như hồi nhỏ chờ đón giao thừa ấy.

Chặng đầu tiên Hà Nội- Sơn La, xe dừng ở ngã ba chỗ rẽ vào nông trường. Chỗ này có một nhà vườn trồng toàn phong lan, lần trước mình đi tour Điện Biên lái xe dừng ở đây nên mình mới biết. Hành trình Hà Nội – Điện Biên chủ yếu để ngắm cảnh hai bên đường, dân tình thích lên Mộc Châu để chụp ảnh đồi chè, hoặc quá bộ lên Sơn La để ngắm đào. Thành phố Điện Biên còn giữ được chiến trường xưa, tuy nhiên hiện vật còn quá ít, đa số rỉ sét hoặc hư hỏng. Khi làm chương trình mình tính rẽ vào thăm đường kéo pháo nhưng không đủ thời gian. Xe chạy đến ngã ba rẽ vào sở chỉ huy Mường Phăng, Điện Biên Phủ, thì ông mặt trời đã núp sau quả núi rồi.

Ở cửa hầm tướng Đờ Cát, có cái bức trướng in hình tướng tá Pháp ra hàng và hình ảnh hai chiến sỹ cầm cờ trên nắp hầm. Hình ảnh này không có trong thực tế, người cầm cờ thực ra là ảnh dựng để quay phim về sau này. Nhưng không hiểu sao người ta vẫn để bức trướng này đến tận bây giờ. Hồi chưa đến Điện Biên, mình cứ hình dung các đồi A1, hầm Đờ Cát… phải cao lắm. Lúc đến nơi mới thấy thấp tè, có lẽ lúc người ta làm đường xá đã tôn đường cao lên chăng?

Mình có đọc một quyển hồi ký, bản dịch ra tiếng Việt của một cựu phi công đã từng lái máy bay thả dù tiếp tế cho Điện Biên, ông kể rằng lúc lái máy bay vào lòng chảo, đột nhiên ông thấy súng phòng không bắn lên, ông đã hơi hoảng kéo máy bay lên cao để tránh đạn. Rồi rất nhanh sau đó, ông hiểu ra là hình như bên dưới không biết …. bắn (hihi). Vì đúng là hồi đó bên ta mới được phía bạn viện trợ cho 2 trung đoàn cao xạ, mà lính mới thì bắn làm sao trúng ngay được.

Đoàn tiến về cửa khẩu Tây Trang. Từ Tây Trang đi tiếp 6 km nữa đến cửa khẩu Pan Hok của Lào. Đến nơi thì các bạn Lào vừa nghỉ trưa, không làm việc, phải đợi đến 13h30! Đoàn tranh thủ ăn trưa ngay biên giới. Chờ chán chê rồi cũng đến giờ làm việc. Thủ tục cho người rất nhanh vì không cần visa. Đến đoạn xe thì hơi rắc rối tí chút. Cán bộ Biên phòng hỏi mình tên cửa khẩu của Lào lúc xuất ra là gì…? Mình ớ ra không biết. Mình chỉ biết là Cầu Treo bên phía Việt Nam. Loay hoay một hồi thì các bạn Lào cũng lần ra danh sách tên các cửa khẩu quốc tế với Việt Nam và làm cho mình tờ giấy màu xanh, lệ phí 50k kíp nữa. Thế là xong khâu nhập cảnh vào Lào.

Về nguyên tắc người và xe nhập/xuất cửa khẩu nào cũng được nhưng phải ghi rõ thì mới hợp lệ. Rút kinh nghiệm lần sau, mình sẽ in ra tờ danh sách tên các cửa khẩu để tiện tra cứu. Cũng có cái may là các cán bộ biên phòng Lào nói tiếng Việt tốt, nên việc giao dịch cũng thuận lợi.

Tối đoàn dừng nghỉ ở một thị trấn nhỏ bên đường tên là Pak Mong.

Xe chạy vào Lào. Đường ở Lào nhìn chung tương tự như ở ta. Dân Lào có vẻ không bao giờ vội, sang đường mà có nhìn thấy xe thì người ta sẽ dừng lại chờ xe qua…, người lái yên tâm thêm bội phần. Giá dầu Diesel ở Lào đắt hơn ở Việt Nam, khoảng 22000/L. Trông cả hành trình, có 2 lần cảnh sát Lào vẫy tay lại (không dùng còi nhé, mà dơ tay, cũng không thấy cầm gậy đen trắng). Cũng tình cờ cả 2 lần đều là người tây lái, ta ngồi cạnh, giấy tờ đây đủ nên cảnh sát cho đi ngay. Cũng có thể do họ thấy xe biển lạ nên vẫy lại chăng?

Ở Lào chỉ thấy có 1 loại bia là Beer laos, uống cũng ngon, hương vị na ná như bia Sài Gòn. Đồ ăn cũng có vẻ không đa dạng bằng Việt Nam, dân hay ăn bằng tay.

8 ngày rong ruổi trên đất Lào, nếm các món ăn khác, mình nhận thấy đồ ăn ở đây hơi nhạt, không đậm đà đa sắc màu như ở ta, rau sống, nước chấm cũng đủ cả nhưng không đặc sắc bằng. Các hàng quán thường có đầy đủ hải sản các loại. Có vẻ nhân viên phục vụ ở các quán ăn không biết tiếng Việt mấy, tiếng Anh cũng không khá hơn. Tuy nhiên khách hàng có thể dựa vào thực đơn có hình ảnh minh họa để gọi món. Nhìn chung đồ ăn của Lào cũng dễ ăn.

Việc chỉ đường cũng đơn giản. Bạn chỉ cần tải bản google maps offline về điện thoại là chỉ đường tốt ở Lào. Ở thành phố có thể đi lại hơi bị mua đường, nhưng cũng không sao vì là máy mà. Quan trọng là nó chỉ đến đúng chỗ. Hiện giờ google cho dùng hạn đến 21 ngày. Hết hạn bạn tải lại là được.

Ở Lào, dân cư thưa thớt, tập trung chủ yếu ở mấy thành phố. Đi đâu cũng thấy rừng và rừng, trong thành phố có nhiều cây. Nhà đa số là nhà thấp tầng. Ở Vientian,tòa nhà cao nhất có lẽ là khách sạn Mường Thanh? Nhà cửa ở Lào có phần giống ở Sài Gòn, Campuchia, đường phố rộng rãi. Điều đặc biệt là mình không hề nghe thấy tiếng còi, kể cả giờ cao điểm. Trong thành phố cũng rất ít cảnh sát.

Ở Luong Phabang, cố đô của Lào, chỗ nào cũng thấy chùa. Chùa và tượng có kiến trúc na ná như nhau. Mình hay gặp tượng phật đứng, hai tay duỗi thẳng sang hai bên, kiểu này gọi là tư thế gọi mưa (Appelant la pluie), tư thế này mình chưa gặp ở miền Bắc Việt Nam. Có thể là do ở Lào ít mưa chăng?

Điểm khác biệt chính của chùa Lào với Việt Nam mình thấy là hướng xây chùa. Trên cùng một phố, hướng cửa chính của chùa Lào không đồng nhất về hướng, thậm chí hướng cửa còn xây chéo sân, không như chùa ở Việt Nam đều hướng theo trục thẳng. Mình để ý thấy người ta còn cho xe ô tô đỗ trong chùa, như kiểu đỗ xe tháng, không như ở Việt Nam, chùa chiền là nơi thờ tự, có tính thiêng nên không ai để xe ở chùa cả.

Theo hành trình, mình để ý thấy nhà dân bên đường hay làm phần mái nhô ra phía đường cái như kiểu mái chùa. Thử tìm trên mạng xem tại sao mái nhà người Lào lại cong, thì chưa thấy tin nào cả. Có người nói nhà có nhiều mái là thể hiện đẳng cấp giàu có của nhà ấy, và số mái luôn là số lẻ.

Ở Luong Phabang, bắt đầu từ 5h30 sáng, du khách sẽ được chứng kiến cảnh các nhà sư đi khất thực. Mỗi người chuẩn bị xôi trong một cái giỏ, bánh kẹo…,. Khi nhà sư đến, tất cả bỏ chung vào trong âu cầm tay của nhà sư. Người tham dự phải bỏ dép để tỏ lòng tôn trọng với nhà sư. Ngay đi nhà sư đi khỏi, người tham dự làm động tác đổ nước xuống đất hoặc đổ nước vào cây cỏ để mong nhận được sự phù hộ của thần linh. Tay trái để trước ngực, tay phải đổ nước, và đổ rất từ từ cho đến hết nước thì thôi.

Chợ đêm ở Luong Phabang cũng là một điểm thăm viếng khá hay. Nơi đây bán hàng quần áo và các đồ lưu niệm của Lào là chính. Có 1 ngõ nhỏ chuyên bán đồ nướng giá rẻ ở giữa chợ, chỗ này thì lúc nào cũng tấp nập thực khách.

Còn một điểm hấp dẫn nữa là ngắm mặt trời mọc và hoàng hôn trên đỉnh núi Phou Si. Mất độ 10 phút là lên tới đỉnh. Từ đấy du khách tha hồ ngắm nhìn thành phố, ngắm nhìn mặt trời từ từ lặn xuống sau rặng núi xa xa. Bạn cũng nên đến đây sớm thì mới còn chỗ để ngắm và để tranh thủ chụp ảnh.

Những ai đã đến Luong Phabang thì không thể không đến thác Kuang Xi. Bạn có thể đi bộ trong rừng hoặc tắm thác. Phía ngoài cửa vào có đầy đủ hàng quán phục vụ ăn uống.

Đến Vientiane cũng vậy, chỗ nào cũng thấy chùa. Đường xá êm dịu hơn một chút, có nhiều đường 1 chiều nên nhiều khi xe phải chạy lòng vòng để tìm khách sạn. Dựa theo google nên tìm cũng dễ dàng. Chặng dài nhất là chặng Vientiane về Vinh. Xe chạy đến cửa khẩu là 4h kém 15, thêm 30 phút để làm thủ tục xe và người là xong. Khu vực này không có 3G. Gần đến biên giới đường hẹp và hơi xấu, có nhiều xe hàng chạy về cửa khẩu nên tốc độ chậm hẳn lại. Lần sau có đi lại qua biên giới thì cũng nên tính về trước 4h chiều để làm thủ tục, vì có thể nhiều xe khác cũng về cùng thời điểm. Nếu chẳng may về muộn thì có thể ngủ lại thị trấn gần biên giới cũng được. Khu vực này bà con 2 nước vẫn qua lại buôn bán nên ở lại được.

Ngày cuối cùng của hành trình, đoàn dừng chân tại biển Hải Hòa, Thanh Hóa. Mấy năm rồi mình mới trở lại đây. Biển sạch, đẹp, sóng nhẹ. Vì không phải mùa du lịch nên không có khách. Nhâm nhi tách cà fe, chụp ít ảnh rồi nổ máy lên đường về Hà Nội, kết thúc chuyến việt dã Việt Lào.

Posted in Uncategorized | Tagged , , , , , , , | Leave a comment

Hà Giang-Thác Bà-Nam Định-Cát Bà, 7/2017

Share

Vừa hết tour xong với đoàn khách Bỉ dễ tính. Tour này hết 2 tuần, lại đi vào dịp có bão ở vịnh Bắc Bộ, xe lạc đường…, khách vô tình chứng kiến sự giúp đỡ vô tư của lái xe khác khi xe nhà bị sa lầy. Họ đánh giá cao sự đoàn kết của người Việt.

Lâu lắm kể từ ngày đi tour tới giờ, mình mới dính vào bão, chính xác là ảnh hưởng của cơn bão số 2. Hàng ngày vẫn theo dõi thời tiết, lúc thấy bão có xu hướng lệch xuống phía Nam thì mừng thầm, ít nhất nó không đánh thẳng vảo vịnh Hạ Long, may mà chỉ ảnh hưởng chút ít thôi. Đang mùa khách nội, nên khách Việt đi tàu cao tốc rất đông, tàu mình đi không còn chỗ trống. Ít nữa cầu vượt biển làm xong, chắc bà con đổ sô đi Cát Bà mất thôi. Đến lúc đó tha hồ tắc đường trên đảo mất. Đảo Cát Bà chưa có bãi đỗ xe công cộng (hoặc có nhưng mình không thấy đâu), ít nữa bà con phi xe ra đầy đường thì làm thế nào nhi?

Chiều rảnh rỗi mình chợt nhớ ra ở Cát Bà có bãi pháo cổ bèn thuê xe máy lên núi xem. BQL bãi pháo có quy định rất kỳ lạ là có thẻ hướng dẫn vẫn phải mua vé vào cổng. Miễn phí vé với điều kiện là phải dẫn đoàn 14-15 người cơ. Không biết ở đâu ra quy định kỳ quoặc như vậy nhỉ? Thôi thì cả đời lên có 1 lần nên mình mua cho xong- 40k/vé, đắt phết!

Thời tiết xấu nên khách chuyển vào resort ở Cát Cò 3 ngủ, khách cứ tiếc rẻ không được qua đêm trên vịnh. Ngày hôm sau có nhà tàu Hoàng Tử bán vé sớm, mình tranh thủ mua ngay vé về. Lấy được vé mừng rơn, phi xe máy ra khoe với khách ngay. Xong việc mới về trung tâm ăn sáng.

Ở Cát Bà, tàu cao tốc cánh ngầm chạy ra biển nên thời tiết xấu một tí là không được xuất bến. Nhưng tùy trường hợp, tàu thấp tốc (hình như còn được gọi là cao tốc không có cánh ngầm) vẫn được chạy vì loại tàu này chạy trong vịnh, gần cửa sông nên không có sóng. Đi tàu này lâu hơn tàu kia một tí, nhưng quan trọng vẫn có tàu để về đất liền.

Đoàn khách này được trải nghiệm một thứ đồ uống rất bình dân ở Việt Nam, đó là nước mía. Với người Việt thì uống mãi rồi, còn với tây thì chưa biết mùi vị của nó thế nào, đó là còn chưa nói đến tâm lý e sợ nhiễm khuẩn…,. Khi về đến Hoa Lư, mình cho khách nếm thử nước mía bán ngay ở phía đối diện cầu vào Hoa Lư. Mỗi người một cốc không có đá, cốc của mình tất nhiên là có đá. Khách uống xong khen lấy khen để và đến tận hôm sau mới nói là bụng chúng tao không làm sao cả.

Còn 1 món dân giã khác mà mình chưa có dịp nào cho khách thử cho biết. Đó là trứng vịt lộn. Tây nghe mình giới thiệu về món đấy thì 99% khách lè lưỡi, không dám ăn. Nhưng dù sao mình sẽ vẫn thử lại, âm thực mà!

Nhớ hôm xe chạy từ Tp Hà Giang về Thác Bà, mình rẽ nhầm đường, đáng ra là phải rẽ vào Tĩnh Cốc nhưng xe lại phi thẳng vào Bằng Cốc khoảng 5-6 km gì đó. Đến 1 đoạn dốc thì bị sa lầy, không tiến không lùi được. Đường đó thực ra là đi được vào đến tận Vũ Linh nhưng trời phải khô ráo mới đi được. Loay hoay một lúc xe vẫn không lùi lại được, mình nới với 1 chú thổ địa tình cờ đứng ở đó là cho mình thuê xe công nông hoặc xe tải để kéo xe nhà ra. Chú này nghĩ một tí rồi quay về lấy xe công nông ra. Có đồ chuyên dụng có khác, xe kéo ra khỏi chỗ lầy ngon lành. Xong việc lái xe nhà biếu ít tiền nhưng chú kia nhất định không lấy. Khách chứng kiến từ đầu vụ việc nên thích lắm, tặng ảnh có chữ ký của từng người. Lúc chuẩn bị kéo xe, mình vẫy 2 bác khách tây trèo lên cabin công nông cho biết. Ở dưới mấy bà khách chụp choạch rất tượng.

Xong việc xe chạy về Vũ Linh cũng vẫn còn kịp, ánh sáng vẫn lưu luyến quanh khu nhà như chờ đợi lữ khách.

Trong đoàn có một vị khách đặc biệt. Bác này chơi được đàn guitar, vẽ tốt. Trong suốt hành trình, ông đã vẽ tặng chân dung của nhiều người mà ông gặp trên đường. Ông vẽ nhanh và rất giống người thực. Có ai muốn ông ý vẽ thì đều được đáp ứng một cách nhiệt tình, không có công xá gì cả. Gần như mọi điểm đến của đoàn, ông đều vẽ tặng chân dung của ai đó trong gia đình ấy. Dân bản địa thích lắm, một phần vì cũng lạ nữa, không phải ai cũng có nhã ý vẽ tặng như vậy. Khi ở Đồng Văn, Hà Giang, ông đã dùng guitar mượn của chủ nhà, đệm đàn theo tiếng khèn và sáo của nhạc công chơi nhạc dân tộc người Tày.

Nhân dịp tham dự buổi diễn ca nhạc dân tộc ở Đồng Văn, mình lần đầu thấy nhạc công vừa thổi khèn vừa lộn vòng ra trước. Đây là một động tác rất khó, đòi hỏi công sức tập luyện. Tiếp theo nhạc công người Tày còn biểu diễn trồng cây chuối qua vai. Tức là tỳ vai xuống đất đỡ 2 chân chổng ngược lên trời trong khi vẫn thổi khèn. 2 động tác này được khán giả vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt.

Từ Thác Bà về Nam Định, trời mưa như trút nước. Đến Giao Thủy qua chợ cá thì lái xe chót vượt qua đoạn rẽ trái xuống dốc để về nhà dân, Mình bảo lái xe quay lại cho nhanh nhưng bác tài vẫn muốn thử kiếm chỗ vòng lại phía trước. Kết quả là chạy một vòng khá lâu trước khi về nhà dân. Điểm thú vị lại là lái xe cho dừng trên cầu khỉ, khách ngạc nhiên vì trình độ lái xe đỗ ngay ngăn trên cầu rất hẹp, vừa đủ lọt xe 16c. Hôm sau nữa khi đi Cát Bà sớm, khách đã đề nghị lái xe biểu diễn lại pha đỗ trên cầu này để khách chụp ảnh.

Ngẫm lại hành trình vừa qua, cả khách và hướng dẫn đều cảm thấy rất vui vẻ, được trải nghiệm nhiều cảm xúc thú vị mà không phải tour nào cũng có mà đôi khi lại đến từ việc đen đủi. Đúng như các cụ nói: trong cái rủi có cái may.

Ảnh

Posted in Uncategorized | Tagged , , , , , , , , | Leave a comment

Trở lại châu Âu (p3)

Share

Nhìn lại các điểm đã đến: Castel Beseno, Verona, lake di Toblino, firenze, Roma, Milano, Venezia

Thông dụng nhất là tàu hỏa, giá cả phải chăng. Nhưng nếu bạn đi cùng trẻ em và nhiều hành lý thì việc chuyển tàu rất bất tiện. Mình chọn thuê xe tự lái, giá đắt hơn nhưng chủ động và rẽ ngang rẻ ngửa thoải mái hơn nhiều, khám phá phong cảnh nhiều hơn….tại sao lại không chứ?

Qua giới thiệu của một người bạn ở Ý, mình biết đến địa chỉ rentalcars.com chuyên cho thuê xe. Thủ tục cho thuê đơn giản, sau vài phút là ra lấy xe. Giấy phép lái xe quốc tế mình đã đổi trước khi đi ở Cục đường bộ. Với loại GPLXQT này, mình có thể lái tại nhiều nước châu Âu. Mình chọn thuê xe của Avis, giá cả có vẻ hợp lý hơn, cả 3 lần thuê đều thuê của họ. Khách hàng có thể đặt qua mạng hoặc trực tiếp tại quầy. Nếu đặt tại quầy thì nhiều khi có thể hỏi được nhiều thông tin phát sinh hơn ví dụ như nếu trả xe muộn hơn, hoặc đổ trả đầy bình nhiên liệu hay 1/2 hoặc không đổ….thì làm thế nào? Tại châu Âu nói chung, các trạm xăng/ dầu đều tự động. Bạn phải dùng thẻ tín dụng hoặc có thể trả bằng tiền mặt. Thuận tiện nhất cho khách hàng như mình là dùng tiền mặt. Phổ biến là dùng tờ mệnh giá 5, 20 euro.

Trên đường cao tốc có nhiều trạm dừng đỗ ăn nghỉ, trạm xăng, biển báo đầy đủ, mình để ý thấy có vẻ rất ít các gara sửa xe, cũng may xe cộ không có vấn đề gì.

Thăm lâu đài Castel Beseno,

Ba bố con đi thăm lâu đài Castel Beseno, cách Trento khoảng 45  phút xe bus. Lâu đài này được xây dựng từ thế kỷ XVI thuộc vùng Val d’Adige (https://www.visittrentino.it/en/guide/must-see/castles/castel-beseno_md_2626).

Từ trạm xe bus ở đầu làng, ba bố con đi bộ theo đường chỉ dẫn đến tòa lâu đài. Nhìn từ dưới nhìn lên trông có vẻ rất xa, nhưng đi bộ chỉ mất khoảng 20-35 phút. Người đi bộ đi theo đường dành cho người đi bộ, có đoạn đường hẹp, người ta vẫn cố gắng đặt 1 viên gạch đủ để đặt bàn chân qua. Tỷ mỷ đến thế mới thấy sự an toàn dành cho người ở mức cao thế nào. Qua bãi đỗ xe có 1 quán bar có bán đồ ăn nhẹ. Ba bố con bỏ qua đi tiếp lên lâu đài mới kiếm cái ăn. Quán ăn ở trên này ngon lành hơn hẳn, nhiều thứ để chọn hơn, có cả kem. Gọi bánh pizza, kem ăn xong, mấy bố con tiếp tục thăm tòa lâu đài.

Lâu  đài được xây dựng trên một quả đồi khá cao, cách biệt với khu dân cư bên dưới. Thời xưa vị trí này rất thuận lợi cho việc phòng thủ. Xung quanh lâu đài, người ta làm các lỗ châu mai, vừa quan sát được phía dưới, vừa bắn được quân thù. Mấy bố con chơi thử trò bắn nỏ. Người ta làm sẵn 1 cái nỏ cho khách du lịch, có cả tên nữa. Điểm bắn là một tấm ván cách chừng 7-8m. Muốn bắn được trúng đích, xạ thủ phải hơi nâng cái nỏ lên cao, đường tên bay sẽ hơi bị cầu vồng một chút. Từ mặt lâu đài, du khách tha hồ ngắm cảnh đồng quê bên dưới rất đẹp, thoáng đãng, thanh bình.

Tầm 3h chiều, đoàn xuống núi để kịp đón xe bus về Trento. Trước khi rời ga, tụi trẻ con vẫn kịp nếm kem dâu mà chúng yêu thích, một thứ mà dường như không thể thiếu hàng ngày.

Thăm Verona

Thành phố Verona xinh đẹp nổi tiếng thế giới với câu chuyện tình cảm lãng mạn của cặp đôi Romeo và Julliette. Thành phố nằm gần cao tốc A22 từ sân bay Venice Marco Polo. Mình gửi xe trong thành phố rồi đi bộ vào trung tâm. Chỗ nào gủi xe cũng có cột trả tiền. Sau chuyến đi này mình nhận ra rằng tốt nhất nên chụp ảnh lại nơi gủi xe, để có thể tìm lại xe nhanh nhất. Vì đường xá không biết, lúc lạc đường tìm rất mệt.

Theo chương trình, cả nhà đi đến vùng núi gọi là Mont Baldo, cạnh hồ lake Garda. Loanh quanh một lúc mới tìm được chỗ gủi xe rồi đi cáp treo lên đỉnh (Funivia Malcesine Monte Baldo). Điểm tham quan là đi dọc đỉnh núi, nhìn từ xa trông như sống lưng con cá voi. Đi được chừng 30 phút thì bị mưa, mưa ngày càng to nên cả nhà đành quay lại. Gió mạnh, mưa to, sương mù dầy đặc che hết tầm nhìn. Hai bố con chỉ có mỗi cái ô, chỉ đủ che phần trên, hai mẹ con đi sau cũng vậy. Mưa ngày càng to, trời lại lạnh nữa chứ, cũng may chỉ còn cách quán ăn không xa, cả  nhà cố đi đến đó rồi nghỉ lại. Mượn tạm nhà chủ mấy tắm vải quấn cho tụi trẻ con cho ấm. Được một lúc cho ấm người rồi vào trong quán ăn trưa. Chủ quán tự lấy quần áo của trẻ con ướt sũng phơi lên máy sưởi cho khô mà mình không biết, cứ loay hoay tìm mãi không hiểu quần áo ở đâu…,. Ăn uống xong đâu đấy, ngớt mưa cả nhà đi cáp treo xuống núi luôn. Xuống đến nơi trời lại đẹp mới tiếc chứ. Nhưng tự an ủi là đã đến cho này, được ngắm cảnh…., thể nào cũng có dịp quay lại.

Cả đoàn tiếp tục thăm thành phố Verona, nơi nổi tiếng thế giới với câu chuyện tình lãng mạn của Romeo và Julliette. Phố xá ở đây tương đối nhỏ, nhà cửa đẹp, nhiều hoa, khách du lịch rất đông. Quanh các góc phố, chỗ nào cũng thấy bãi đỗ xe to nhỏ các kiểu. Đoàn vào thăm nhà thờ Basilica di S. Anastasia,xây dựng từ cuối thế kỷ 13 (http://www.chieseverona.it/index_eng.html), mình thích nhất kiểu trang trí mái vòm của nhà thờ. Người ta  vẽ hoa lá trên mái vòm, còn hai bên hành lang là những bức tranh theo chủ đề tôn giáo, một số mới được phục chế. Nhìn tổng thể màu sắc trong nhà thờ rất trang nhã, ấn tượng.

Buổi chiều cả nhà về nghỉ tại một làng camping, một trải nghiệm rất thú vị (http://www.campingamicidilazise.it/). Địa điểm này gần hồ, nhiều xe về đây thuê chỗ ngủ qua đêm. Nhiều nhà thuê lâu dài. Có nhóm thanh niên thuê lều ngủ ở bãi cỏ, vệ sinh tắm rửa ra khu công cộng cũng rất tiện lợi. Các xe nhà lưu động đều tập trung vào một điểm quy định, tại mỗi điểm  này đều có họng nước, điện lưới. Khách nào có nhu cầu về nhu yếu phẩm đều dễ dàng tìm thấy ở siêu thi hay hàng quán gần đó. Nói chung dịch vụ ăn theo đủ cả, rất sạch sẽ, ngăn nắp, an ninh tốt. khách lưu trú rất yên tâm khi ở tại các khu kiểu này. Cái đáng nói ở đây là giá cả tiêu dùng không cao hơn so với bên ngoài là mấy, không có cái gọi là giá du lịch như ở Việt Nam, cũng không hề thấy bóng cảnh sát…còn gì tốt hơn thế nữa nhi?

Mình còn nhớ đến tối, gần chỗ mình ở có một hội ca nhạc gì đó. Nhưng chỉ đến khoảng 22h00 là chấm dứt, không còn tiếng ồn nữa, kể cả những đám thanh niên tụ tập ăn uống cũng tản đi từ lúc nào, không gian thực sự yên tĩnh.

Hôm sau, cả nhà tiếp tục đến công viên gọi là Gardaland (http://www.gardaland.it/park-en/). Khu này được thiết kế cho trẻ em vui chơi, có một vài trò mạo hiểm dành cho người lớn. Trong này có đủ trò chơi trên cạn, trên không, công viên nước, thủy cung. Thủy cung không có gì đặc biệt cho lắm, tương tự như mấy thủy cung ở Hà Nội. Còn lại các trò khác rất hay, kích thích sự tò mò của con trẻ. Đi chơi ở đây bạn nên chuẩn bị sẵn đồ ăn nhẹ, vừa chơi vừa tranh thủ ăn. Trẻ con xem vô tuyến nhiều nên biết các nhân vật trong phim ảnh được tái hiện ở đây. Phải nói là công viên này được thiết kế rất tốt, rất hợp lý, các điểm vui chơi gần nhau, thời gian chơi hết 1 trò cũng rất ngắn. Như vậy trong 1 ngày, người chơi có thể chơi được nhiều thứ. Bãi đỗ xe ở ngoài rất rộng, được cắm biển đánh số đầy đủ. Mình cẩn thận chụp lại ảnh cột số để lúc ra tìm cho nhanh.

Thăm lake di Toblino (Hồ Toblino)

Hồ Toblino nằm ở phía Tây Trento, đi xe bus hết khoảng 35 phút. Hồ nằm ngay gần đường cái. Mấy bố con bàn nhau đi bộ lên đỉnh núi xem trước rồi xuống bãi cỏ trước cửa lâu đài ăn trưa.

Đường lên đỉnh núi khá xấu, nhiều đoạn lổn nhổn. Trên đường đi, đoàn thi thoảng lại gặp 1 đoàn xe đạp cong mông lên để đạp lên dốc.Lác đác có vài điểm đỗ xe công cộng ngay bên lề đường. Nhìn cảnh này mình nghĩ không biết xứ mình đến bao giờ mới được như thế…,. Có cắm trại, sáng dậy chắc không còn gì…,. Mấy bố con đi được môt lúc thì gặp một nhóm leo núi chuyên nghiệp. Họ chọn điểm leo là các vách núi dựng đứng. Họ lựa theo các neo đã được đóng sẵn vào vách núi để móc cáp và cứ như thế cho đến đích. Chơi môn này đòi hỏi sức khỏe và tính kiên nhẫn. Nhiều khi không thể leo tới nơi vì khó quá thì vận động viên phải kiên nhẫn tìm đường khác cho bằng được.

Thăm Firenze,
Mình đến Frorence lần này là lần thứ hai, phố xá vẫn thễ, người qua lại nườm nượp, nhưng cảm nhận hơi khác hồi 2003 là người Đông Âu du lịch rất đông. Thăm lại mấy điểm du lịch ở khu trung tâm, tất cả đều là phố đi bộ hoặc xe cộ đi lại hạn chế. Năm nay khủng bố nhiều nên cảnh sát chống khủng bố đứng gác ở các điểm công cộng nhiều hơn trước, trang bị súng ống tận răng. Kể ra có họ cũng yên tâm hơn.

Mình xếp hàng đợi lên đỉnh nhà thờ Duomo, mấy mẹ con kéo nhau đi mua đồ lưu niệm. Một lát sau đã thấy về với một túi xách đầy bút chì và con rối, sách truyện…,. Hóa ra con gái lớn mua tặng các bạn bút chì, con trai được mẹ mua cho con rối Capuchino rất đẹp. Khách viếng thăm Duomo rất đông, BQL chia khách làm 2 dãy khác nhau, 1 lên tháp, 1 thăm nhà thờ, vé được bán ở phố bên cạnh. Tuy đi lại cách rách nhưng lại đỡ tập trung đông người. Dòng người xếp hàng vào tham quan vẫn không ngừng tâng lên nhưng rất trật tự, không có chuyện chen ngang như ở ta, du lịch trời tây sướng ở chỗ đấy.

Link tham khảo
1) https://it.wikipedia.org/wiki/Ponte_Vecchio

Thăm Roma

Thủ đô của Italya, thành phố cổ kính xinh đẹp, dân số khoảng 3tr người, dân nhập cư rất đông. Xe pháo đi lại ở đây tương tự như ở Việt Nam, tức là cũng vượt đèn đỏ hoặc rẽ phải trái khi có đèn báo.

Roma nằm ở phía Nam nước Ý nên khí hậu tương đối nóng, không mát mẻ như ở Trento.

Đoàn nhà mình thăm Vatican. Lần này BQL cho du khách chụp ảnh thoải mái trong tòa Thánh, không bị cấm như trước nữa. Lúc lên đỉnh tháp, khách đông nghịt nhưng rất trật tự. Đến gần trưa, Đức Giáo hoàng xuất hiện ở tầng 2 tòa nhà bên ngoài tòa Thánh, ngài làm lễ trước hàng nghìn tín đồ. Với mình thì đây là lần đầu tiên mình được nghe trực tiếp giọng nói của giáo Hoàng.

Trong khu trung tâm, đoàn gặp một lễ hội của địa phương đầy sắc màu. Từng đoàn, từng đoàn người trang phục kiểu thời xưa, người đóng giả lính tráng vai mang cung tên, người vác gậy, người cầm cờ tay đặt ở đốc kiếm… tất cả hòa tiếng nhạc, tiếng trống rộn ràng.

Loanh quanh khu trung tâm, toàn phố đi bộ cả. Lại nghĩ đến Hà Nội, bao giờ Hà Nội làm được như nước họ nhỉ? Địa bàn quanh Hồ Gươm nếu so với các điểm du lịch hoặc goi là quảng trường thì không to hơn là mấy, mà cũng chỉ có vài chục phố cổ thôi. Kinh doanh nhỏ lẻ cũng tương tự như ở bên này. Để cho dân du lịch được tự do thoải mái đi lại khắp nơi, ròi tự nhiên họ sẽ đến đông hơn, và tất nhiên thành phố sẽ thu được nhiều thuế hơn.

Thăm Milano

Milan là thủ phủ của vùng Lombardy của Ý với hơn 3tr dân. Đây còn là trung tâm công nghiệp và tài chính của Ý. Về thời trang thì hàng top thế giới rồi. Món kem miễn chê nhé. Quốc bộ vào trung tâm, du khách tha hồ thăm bảo tàng, nhà thờ, khu thương mại. Riêng khu buôn bán này toàn hàng xa xỉ, nhưng thực sự là hàng tuyệt đẹp. Một cái ô cỡ nhỏ giá hơn 100 Euro (tương đương với 50 cái ô ở chợ Đồng Xuân).

Link tham khảo: http://www.visitacity.com/en/milan/itineraries/milan-in-one-day-top-attractions-itinerary-day-1

Thăm Venezia

Tiếng Việt gọi Venezia là Venise, một cái tên rất quen thuộc. Có lẽ cứ nhắc đến Ý là người ta lại nghĩ đến thành phố trên sông này. Thực sự đó là tụ điểm du lịch rất ấn tượng, rất đẹp, rất cổ kính và đầy ánh sáng. Bạn cần ít nhất vài ngày lưu lại thành phố này để chiêm nghiệm, để hít thở bầu không khí miền biển Venise và tất nhiên để….chơi nữa chứ.

Ở vùng này có làng chuyên sản xuất đồ thủy tinh cực kỳ đẹp, tinh sảo, mẫu mã đa dạng. Du khách được xem họ làm thủy tinh như thế nào. Cái khác biệt ở đây là hàng của họ được pha màu nên sản phẩm nhìn rât bắt mắt. Mình hỏi một người bán hàng là các sản phẩm này có xuất khẩu không? Họ nói chỉ bán cho khách thập phương, không xuất đi đâu cả.

Venise gồm nhiều hòn đảo hợp thành. Việc di chuyển giữa các đảo cũng khá đơn giản. Người dân ở dây dùng thuyền chèo tay, cano hoặc tàu chở khách để đi lại. Kem ở Venise ăn cũng được, có vẻ không có nhiều lựa chọn nhưng nếm cũng không đến nỗi nào.

 

 

(Ảnh minh họa)

Link tham khảo

  1. http://www.rentalcars.com/
  2. http://www.visitacity.com/
  3. http://www.monnuage.fr/a-voir/italie/trentin_-_haut_adige/trento
  4. https://www.rome2rio.com/s/Trento/Castel-Toblino
Posted in Uncategorized | Tagged , , , , , , , , , , , , , , , , | Leave a comment

Trở lại châu Âu (p2)

Share

Ngày thứ 24, 14/6:

Vậy là đã 2 tuần ở Ý, thời gian trôi nhanh quá. Có mấy ngày bị mưa không đi được đâu, còn lại thời tiết khá tốt. Ở đây hạ tầng giao thông rất tốt, chỉ cần GPS là có thể di chuyển thoải mái trong thành phố cũng như đi tỉnh. Sau mấy ngày lái xe đi Verona, mình rút ra kinh nghiệm là lái xe luôn đi bên phải, nhất là đến gần đoạn giao cắt hoặc chỗ rẽ trái/phải vì rất dễ bị nhậm chỗ rẽ nếu minh đang ở làn bên trái, nhìn trên GPS khó phân biêt được rẽ bên nào một phần vì phải quyết định nhanh rẽ bên nào. Tất nhiên nếu có nhầm thì sẽ tìm được đường quay lại thôi, mất chút thời gian. Mình cũng không hình dung được nếu GPS bị hỏng thì làm thế nào để đi tiếp được? Không hy vọng hỏi được đường vì không có ai để hỏi, đường cao tốc rất nhiều chỗ giao cắt khác nhau, tiếng Ý thì không biết rồi, mà người Ý thì ít người nói tiếng Anh (tiếng Pháp cũng không nốt). Nếu rơi vào trường hợp này thì chắc chỉ còn nước gọi điện cho số hotline của công ty cho thuê xe xin đổi cái khác.

2 lần thuê xe, lần đầu là Renault Scenic, lần sau là Fiat 500 đều là số tay. Cả 2 xe còn rất mới. Nhìn chung cả 2 xe chạy rất chắc xe, giảm xóc mượt mà, vào cua xe chắc nịch. Fiat 500 máy xăng 1.2, mình vít lên 130 km/h và giữ đều như vậy thấy xe rất ok, cảm giác lái rất an toàn. công tơ mét của xe này tích hợp cả đồng hồ xăng và nhiệt độ động cơ. Mới đầu mình lên xe nhìn không ra cột xăng ở chỗ nào. Hóa ra nhà sản xuất làm viền tròn vạch xăng theo công tơ mét chứ không làm riêng như các xe truyền thống.

Ở Trento mình rất ít gặp người châu Á, lâu lâu mới nghe thấy tiếng Nhật hay Hàn. Từ hôm sang tới giờ mới gặp đúng một bạn người Việt. Người da den và người theo đạo Hồi còn lác đác. Cửa hàng hay gặp nhất là cửa hàng kem và thời trang. Thời trang thì mình chẳng để ý làm gì nhưng còn kem thì dừng lại khá lâu….hihi,. Nói chung kem Ý có tiếng, cũng rất ngon nhưng nếu so với kem Tràng Tiền thì 1/9 1/10. Mình nghĩ kem của mình chỉ thua kem Ý về chủng loại thôi còn về độ ngon thì như nhau.

Sách du lịch ở đây rất nhiều nhưng toàn tiếng Ý, tiếng Anh rất hiếm. Mất mấy ngày mình mới mua được quyển  Lonely Planet bằng tiếng Anh. Mua được là may rồi.

Nói về ăn mặc ở Trento, có thể so sánh khập khiễng nhưng từ ngày sang Ý, mình nhận thấy dân Ý ăn mặc chỉnh chu hơn người Pháp. Đàn ông thì ít khác biệt vì chỉ có sơ mi  ca vát muôn thủa, còn chị em từ trẻ đến lớn đều ăn mặc lịch sự hoặc kín đáo, ít hở hang thoải mái như xứ sở con gà trống.

(còn nữa)

Posted in Uncategorized | Tagged , , , , , , , , | Leave a comment

Trở lại châu Âu (p1)

Share

Ngày 1:

Ngày 22/5/2016 cả nhà ra sân bay sớm vì sợ tắc đường nhân dịp tổng thống Obamar sang thăm Việt Nam. Đến sân bay từ rất sớm, còn thoải mái thời gian, trẻ con vui chơi tự do trong khu vực chờ. Khỏi phải nói bọn chúng rất thích thú bàn tán các loại máy bay.

Chuyến này mình bay bằng A350, lần đầu đi loại này thấy vẫn ồn như đời A321, chi được cái rộng rãi, đồ ăn khá hơn trước tí, ăn sáng tương tự ăn tối. Lúc hạ cánh, mình cảm giác máy bay dừng rất nhanh, nhanh hơn hẳn Boeng và Airbus đời trước. Thủ tục nhập cảnh cũng nhanh, có đến hơn chục cửa làm thủ tục. Hộ chiếu của mình được ông cảnh sát lướt qua mấy trang rồi đóng dấu. Tât cả không quá 10s. Quá nhanh.

Đến Paris đúng lúc có mưa nhỏ, lại giờ đi làm nên đường rất đông. Mất gần 1h mới về đến nhà người bạn ở ngoại ô Paris. Vẫn khung cảnh cũ, đường phố, công viên, các đại lộ đông đúc xe cộ. Thời tiết hơi lạnh khoảng 11-12 độ C.

Ơ Paris có xích lô chở khách nhưng tài xế lại là phụ nữ. Cái dở của phương tiện này là người đạp ở phía trước khách, che hết tầm nhìn không như xích lô ở Hà Nội. Các dãy phố có hàng quán bán hàng ở Paris đều rất trật tự, ngồi đâu ra đấy, không lấn chiếm bừa bãi  như ở Hà Nội. Đầu các ngã tư cũng không thấy cảnh sát, con người ở đây có ý thức cộng đồng rất tốt. Ai sống ở Hà Nội rồi sang bên này, cảm giác đầu tiên là đi lại rất yên tâm, có nhỡ vượt đèn đỏ thì dòng xe sẽ dừng lại nhường đường.

Mình để ý thấy vỉa hè ở Paris hình như đều rất thấp, tầm 10 cm. Có lẽ là để tiện cho xe cộ lên xuống vỉa hè, ví dụ xe từ trong nhà đi ra đường hoặc xe từ paking đi ra rất an toàn. Nhiều phố còn không có vỉa hè, trường hợp này thì có hàng cột cắm dọc đường như là để ngăn đường đi và đường đi bộ.

Ngày thứ 5, 26/5/2016

Cả nhà đi thăm lâu đài Malmaison ở cách nhà khoảng hơn 2km (http://musees-nationaux-malmaison.fr/chateau-malmaison/). Lâu đài này thuộc Joséphine Bonaparte năm 1799. Mình chỉ đi thăm vườn, không vào trong

chateau4chateau3chateau1


 

 

 

Ở Pháp các điểm tham quan chỉ bán vé chứ không có người soát vé (kiêm xé vé) như ở Việt Nam. Bớt đi một người soát vé có khi vé được giảm giá nhi?

Ngày 11, 1/6/2016

Bay sang Venise chuyến 7h25. Đến nơi cả nhà quyết định chọn phương án thuê xe tự lái về Trento, thành phố nằm phía Bắc, cách Venise khoảng 200 km. Có cách khác là đi tàu hỏa rẻ hơn nhưng không thú vị bằng tự lái, đi lại tự do hơn. Công ty cho thuê xe nằm ngay cạnh sân bay, thủ tục đơn giản, sau 10 phút là ra xe luôn. Xe còn rất mới, mới chạy được 1 vạn, có GPS. Bên thuê có quy định là khi thuê dầu đã đổ đầy, khi trả xe người thuê đổ đầy trở lại. Có GPS mình lái thoải mái, công nhận là thiết bị này dẫn đường chuẩn, các điểm rẽ có thông báo rất rõ bằng hình ảnh đảm bảo không nhầm được. Lần đầu mình lái xe ở nước ngoài, lại lạ ở châu Âu, nơi người ta chấp hành luật lệ rất tốt, không tranh đường như ở Việt Nam. Mình để ý thấy ở đây người ta không nháy pha xin vượt, cùng lắm chỉ bật xi nhan. Khi đang chạy, xe sau muốn vượt, chỉ cần tiến sát xe trước và đợi xe trước tránh đường là vượt và lái xe bên này rõ ràng rất kiên nhẫn đợi xe trước tránh đường. Điểm khác biệt nhất khi lái xe ở đây là chú ý đường ưu tiên, gặp biển này buộc người lái phải nhường đường nếu không chắc chắn gây tai nạn.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Posted in Uncategorized | Tagged , , , , , , , | Leave a comment

Xếp xe ô tô, kỷ niệm 10 năm diễn đàn otofun

Share

Khởi nguồn từ ý tưởng của thành viên Black Blac là tổ chức xếp xe nhân sinh nhật 10 năm của diễn đàn. Ban tổ chức đã thựchiện rất thành công sự kiện này.
Ngay từ sáng sớm ngày 15/5/2016, hàng đoàn ô tô thuộc các chi hội của diễn đàn otofun tập trung tại các điểm khác nhau ở Hà Nội, lần lượt tập trung tại khu công nghệ cao Hòa Lạc để tranh thủ làm thủ tục vào bãi xếp xe. Bãi đất rộng khoảng 5 ha, vừa đủ rộng để BTC thể hiện màn trình diễn xếp chữ bằng ô tô. 488 xe ô tô các loại, 60 xe máy là con số được ghi nhận.
Để tổ chức sự kiện này, BTC đã dành cả 1 tuần để chuẩn bị từ khảo sát địa hình đến tập hợp lực lượng gồm các nhà tài trợ, các tình nguyện viên, in phù hiệu, các quy định dành cho người tham dự. Phải nói rằng khâu tổ chức đã làm hết sức chu đáo để cuộc trình diễn đạt thành công mỹ mãn.
Khi các xe đã xếp gần xong thì trời có mưa nhỏ làm tất cả hơi lo lắng. Cũng rất may ông trời đồng lòng cùng với các thành viên diễn đàn. Mưa dứt cũng là lúc trời hửng nắng làm nức lòng mọi người. Ít phút sau BTC thong báo qua loa cuộc chụp ảnh bắt đầu. Flycam của BTC lập tức bay lên, ghi lại những hình ảnh có một không hai đang hiện ra trước các thành viên diễn đàn. Đến gần trưa, cuộc trình diễn kết thúc. BTC gửi lời cảm ơn đặc biệt tới tất cả thành viên tham dự, các tình nguyện viên đã góp phần thành công cho sự kiện.

Capture3Capture4Capture1Capture2

 

Posted in Uncategorized | Tagged , , , | Leave a comment