Lái xe ở một đất nước xa lạ thật thú vị. Mỗi chặng chạy tầm 350 km, tuy không nhiều nhưng được trải nghiệm cuộc sống khác lạ.
Hàng trình tự lái hơn 2000 km từ Hà Nội lên Điện Biên, vào đất Lào qua cửa khẩu Tây Trang, đi tiếp xuống Luông Phabang (tên đúng là Luong Prabang), tiếp tục chạy về thủ đô Vientian và cuối cùng về Cầu Treo đúng 3h45. Mất 30 phút để làm thủ tục nhập cảnh người và xe. Mất thêm gần 90 km là về đến Vinh. Thành viên trong đoàn thay nhau lái để đảm bảo an toàn.
Cảm giác về đến đất Việt bằng đường bộ kể cũng thấy là lạ, một cảm xúc bâng khuâng thế nào đó giống như hồi nhỏ chờ đón giao thừa ấy.
Chặng đầu tiên Hà Nội- Sơn La, xe dừng ở ngã ba chỗ rẽ vào nông trường. Chỗ này có một nhà vườn trồng toàn phong lan, lần trước mình đi tour Điện Biên lái xe dừng ở đây nên mình mới biết. Hành trình Hà Nội – Điện Biên chủ yếu để ngắm cảnh hai bên đường, dân tình thích lên Mộc Châu để chụp ảnh đồi chè, hoặc quá bộ lên Sơn La để ngắm đào. Thành phố Điện Biên còn giữ được chiến trường xưa, tuy nhiên hiện vật còn quá ít, đa số rỉ sét hoặc hư hỏng. Khi làm chương trình mình tính rẽ vào thăm đường kéo pháo nhưng không đủ thời gian. Xe chạy đến ngã ba rẽ vào sở chỉ huy Mường Phăng, Điện Biên Phủ, thì ông mặt trời đã núp sau quả núi rồi.
Ở cửa hầm tướng Đờ Cát, có cái bức trướng in hình tướng tá Pháp ra hàng và hình ảnh hai chiến sỹ cầm cờ trên nắp hầm. Hình ảnh này không có trong thực tế, người cầm cờ thực ra là ảnh dựng để quay phim về sau này. Nhưng không hiểu sao người ta vẫn để bức trướng này đến tận bây giờ. Hồi chưa đến Điện Biên, mình cứ hình dung các đồi A1, hầm Đờ Cát… phải cao lắm. Lúc đến nơi mới thấy thấp tè, có lẽ lúc người ta làm đường xá đã tôn đường cao lên chăng?
Mình có đọc một quyển hồi ký, bản dịch ra tiếng Việt của một cựu phi công đã từng lái máy bay thả dù tiếp tế cho Điện Biên, ông kể rằng lúc lái máy bay vào lòng chảo, đột nhiên ông thấy súng phòng không bắn lên, ông đã hơi hoảng kéo máy bay lên cao để tránh đạn. Rồi rất nhanh sau đó, ông hiểu ra là hình như bên dưới không biết …. bắn (hihi). Vì đúng là hồi đó bên ta mới được phía bạn viện trợ cho 2 trung đoàn cao xạ, mà lính mới thì bắn làm sao trúng ngay được.
Đoàn tiến về cửa khẩu Tây Trang. Từ Tây Trang đi tiếp 6 km nữa đến cửa khẩu Pan Hok của Lào. Đến nơi thì các bạn Lào vừa nghỉ trưa, không làm việc, phải đợi đến 13h30! Đoàn tranh thủ ăn trưa ngay biên giới. Chờ chán chê rồi cũng đến giờ làm việc. Thủ tục cho người rất nhanh vì không cần visa. Đến đoạn xe thì hơi rắc rối tí chút. Cán bộ Biên phòng hỏi mình tên cửa khẩu của Lào lúc xuất ra là gì…? Mình ớ ra không biết. Mình chỉ biết là Cầu Treo bên phía Việt Nam. Loay hoay một hồi thì các bạn Lào cũng lần ra danh sách tên các cửa khẩu quốc tế với Việt Nam và làm cho mình tờ giấy màu xanh, lệ phí 50k kíp nữa. Thế là xong khâu nhập cảnh vào Lào.
Về nguyên tắc người và xe nhập/xuất cửa khẩu nào cũng được nhưng phải ghi rõ thì mới hợp lệ. Rút kinh nghiệm lần sau, mình sẽ in ra tờ danh sách tên các cửa khẩu để tiện tra cứu. Cũng có cái may là các cán bộ biên phòng Lào nói tiếng Việt tốt, nên việc giao dịch cũng thuận lợi.
Tối đoàn dừng nghỉ ở một thị trấn nhỏ bên đường tên là Pak Mong.
Xe chạy vào Lào. Đường ở Lào nhìn chung tương tự như ở ta. Dân Lào có vẻ không bao giờ vội, sang đường mà có nhìn thấy xe thì người ta sẽ dừng lại chờ xe qua…, người lái yên tâm thêm bội phần. Giá dầu Diesel ở Lào đắt hơn ở Việt Nam, khoảng 22000/L. Trông cả hành trình, có 2 lần cảnh sát Lào vẫy tay lại (không dùng còi nhé, mà dơ tay, cũng không thấy cầm gậy đen trắng). Cũng tình cờ cả 2 lần đều là người tây lái, ta ngồi cạnh, giấy tờ đây đủ nên cảnh sát cho đi ngay. Cũng có thể do họ thấy xe biển lạ nên vẫy lại chăng?
Ở Lào chỉ thấy có 1 loại bia là Beer laos, uống cũng ngon, hương vị na ná như bia Sài Gòn. Đồ ăn cũng có vẻ không đa dạng bằng Việt Nam, dân hay ăn bằng tay.
8 ngày rong ruổi trên đất Lào, nếm các món ăn khác, mình nhận thấy đồ ăn ở đây hơi nhạt, không đậm đà đa sắc màu như ở ta, rau sống, nước chấm cũng đủ cả nhưng không đặc sắc bằng. Các hàng quán thường có đầy đủ hải sản các loại. Có vẻ nhân viên phục vụ ở các quán ăn không biết tiếng Việt mấy, tiếng Anh cũng không khá hơn. Tuy nhiên khách hàng có thể dựa vào thực đơn có hình ảnh minh họa để gọi món. Nhìn chung đồ ăn của Lào cũng dễ ăn.
Việc chỉ đường cũng đơn giản. Bạn chỉ cần tải bản google maps offline về điện thoại là chỉ đường tốt ở Lào. Ở thành phố có thể đi lại hơi bị mua đường, nhưng cũng không sao vì là máy mà. Quan trọng là nó chỉ đến đúng chỗ. Hiện giờ google cho dùng hạn đến 21 ngày. Hết hạn bạn tải lại là được.
Ở Lào, dân cư thưa thớt, tập trung chủ yếu ở mấy thành phố. Đi đâu cũng thấy rừng và rừng, trong thành phố có nhiều cây. Nhà đa số là nhà thấp tầng. Ở Vientian,tòa nhà cao nhất có lẽ là khách sạn Mường Thanh? Nhà cửa ở Lào có phần giống ở Sài Gòn, Campuchia, đường phố rộng rãi. Điều đặc biệt là mình không hề nghe thấy tiếng còi, kể cả giờ cao điểm. Trong thành phố cũng rất ít cảnh sát.
Ở Luong Phabang, cố đô của Lào, chỗ nào cũng thấy chùa. Chùa và tượng có kiến trúc na ná như nhau. Mình hay gặp tượng phật đứng, hai tay duỗi thẳng sang hai bên, kiểu này gọi là tư thế gọi mưa (Appelant la pluie), tư thế này mình chưa gặp ở miền Bắc Việt Nam. Có thể là do ở Lào ít mưa chăng?
Điểm khác biệt chính của chùa Lào với Việt Nam mình thấy là hướng xây chùa. Trên cùng một phố, hướng cửa chính của chùa Lào không đồng nhất về hướng, thậm chí hướng cửa còn xây chéo sân, không như chùa ở Việt Nam đều hướng theo trục thẳng. Mình để ý thấy người ta còn cho xe ô tô đỗ trong chùa, như kiểu đỗ xe tháng, không như ở Việt Nam, chùa chiền là nơi thờ tự, có tính thiêng nên không ai để xe ở chùa cả.
Theo hành trình, mình để ý thấy nhà dân bên đường hay làm phần mái nhô ra phía đường cái như kiểu mái chùa. Thử tìm trên mạng xem tại sao mái nhà người Lào lại cong, thì chưa thấy tin nào cả. Có người nói nhà có nhiều mái là thể hiện đẳng cấp giàu có của nhà ấy, và số mái luôn là số lẻ.
Ở Luong Phabang, bắt đầu từ 5h30 sáng, du khách sẽ được chứng kiến cảnh các nhà sư đi khất thực. Mỗi người chuẩn bị xôi trong một cái giỏ, bánh kẹo…,. Khi nhà sư đến, tất cả bỏ chung vào trong âu cầm tay của nhà sư. Người tham dự phải bỏ dép để tỏ lòng tôn trọng với nhà sư. Ngay đi nhà sư đi khỏi, người tham dự làm động tác đổ nước xuống đất hoặc đổ nước vào cây cỏ để mong nhận được sự phù hộ của thần linh. Tay trái để trước ngực, tay phải đổ nước, và đổ rất từ từ cho đến hết nước thì thôi.
Chợ đêm ở Luong Phabang cũng là một điểm thăm viếng khá hay. Nơi đây bán hàng quần áo và các đồ lưu niệm của Lào là chính. Có 1 ngõ nhỏ chuyên bán đồ nướng giá rẻ ở giữa chợ, chỗ này thì lúc nào cũng tấp nập thực khách.
Còn một điểm hấp dẫn nữa là ngắm mặt trời mọc và hoàng hôn trên đỉnh núi Phou Si. Mất độ 10 phút là lên tới đỉnh. Từ đấy du khách tha hồ ngắm nhìn thành phố, ngắm nhìn mặt trời từ từ lặn xuống sau rặng núi xa xa. Bạn cũng nên đến đây sớm thì mới còn chỗ để ngắm và để tranh thủ chụp ảnh.
Những ai đã đến Luong Phabang thì không thể không đến thác Kuang Xi. Bạn có thể đi bộ trong rừng hoặc tắm thác. Phía ngoài cửa vào có đầy đủ hàng quán phục vụ ăn uống.
Đến Vientiane cũng vậy, chỗ nào cũng thấy chùa. Đường xá êm dịu hơn một chút, có nhiều đường 1 chiều nên nhiều khi xe phải chạy lòng vòng để tìm khách sạn. Dựa theo google nên tìm cũng dễ dàng. Chặng dài nhất là chặng Vientiane về Vinh. Xe chạy đến cửa khẩu là 4h kém 15, thêm 30 phút để làm thủ tục xe và người là xong. Khu vực này không có 3G. Gần đến biên giới đường hẹp và hơi xấu, có nhiều xe hàng chạy về cửa khẩu nên tốc độ chậm hẳn lại. Lần sau có đi lại qua biên giới thì cũng nên tính về trước 4h chiều để làm thủ tục, vì có thể nhiều xe khác cũng về cùng thời điểm. Nếu chẳng may về muộn thì có thể ngủ lại thị trấn gần biên giới cũng được. Khu vực này bà con 2 nước vẫn qua lại buôn bán nên ở lại được.
Ngày cuối cùng của hành trình, đoàn dừng chân tại biển Hải Hòa, Thanh Hóa. Mấy năm rồi mình mới trở lại đây. Biển sạch, đẹp, sóng nhẹ. Vì không phải mùa du lịch nên không có khách. Nhâm nhi tách cà fe, chụp ít ảnh rồi nổ máy lên đường về Hà Nội, kết thúc chuyến việt dã Việt Lào.