Vừa hết tour xong với đoàn khách Bỉ dễ tính. Tour này hết 2 tuần, lại đi vào dịp có bão ở vịnh Bắc Bộ, xe lạc đường…, khách vô tình chứng kiến sự giúp đỡ vô tư của lái xe khác khi xe nhà bị sa lầy. Họ đánh giá cao sự đoàn kết của người Việt.
Lâu lắm kể từ ngày đi tour tới giờ, mình mới dính vào bão, chính xác là ảnh hưởng của cơn bão số 2. Hàng ngày vẫn theo dõi thời tiết, lúc thấy bão có xu hướng lệch xuống phía Nam thì mừng thầm, ít nhất nó không đánh thẳng vảo vịnh Hạ Long, may mà chỉ ảnh hưởng chút ít thôi. Đang mùa khách nội, nên khách Việt đi tàu cao tốc rất đông, tàu mình đi không còn chỗ trống. Ít nữa cầu vượt biển làm xong, chắc bà con đổ sô đi Cát Bà mất thôi. Đến lúc đó tha hồ tắc đường trên đảo mất. Đảo Cát Bà chưa có bãi đỗ xe công cộng (hoặc có nhưng mình không thấy đâu), ít nữa bà con phi xe ra đầy đường thì làm thế nào nhi?
Chiều rảnh rỗi mình chợt nhớ ra ở Cát Bà có bãi pháo cổ bèn thuê xe máy lên núi xem. BQL bãi pháo có quy định rất kỳ lạ là có thẻ hướng dẫn vẫn phải mua vé vào cổng. Miễn phí vé với điều kiện là phải dẫn đoàn 14-15 người cơ. Không biết ở đâu ra quy định kỳ quoặc như vậy nhỉ? Thôi thì cả đời lên có 1 lần nên mình mua cho xong- 40k/vé, đắt phết!
Thời tiết xấu nên khách chuyển vào resort ở Cát Cò 3 ngủ, khách cứ tiếc rẻ không được qua đêm trên vịnh. Ngày hôm sau có nhà tàu Hoàng Tử bán vé sớm, mình tranh thủ mua ngay vé về. Lấy được vé mừng rơn, phi xe máy ra khoe với khách ngay. Xong việc mới về trung tâm ăn sáng.
Ở Cát Bà, tàu cao tốc cánh ngầm chạy ra biển nên thời tiết xấu một tí là không được xuất bến. Nhưng tùy trường hợp, tàu thấp tốc (hình như còn được gọi là cao tốc không có cánh ngầm) vẫn được chạy vì loại tàu này chạy trong vịnh, gần cửa sông nên không có sóng. Đi tàu này lâu hơn tàu kia một tí, nhưng quan trọng vẫn có tàu để về đất liền.
Đoàn khách này được trải nghiệm một thứ đồ uống rất bình dân ở Việt Nam, đó là nước mía. Với người Việt thì uống mãi rồi, còn với tây thì chưa biết mùi vị của nó thế nào, đó là còn chưa nói đến tâm lý e sợ nhiễm khuẩn…,. Khi về đến Hoa Lư, mình cho khách nếm thử nước mía bán ngay ở phía đối diện cầu vào Hoa Lư. Mỗi người một cốc không có đá, cốc của mình tất nhiên là có đá. Khách uống xong khen lấy khen để và đến tận hôm sau mới nói là bụng chúng tao không làm sao cả.
Còn 1 món dân giã khác mà mình chưa có dịp nào cho khách thử cho biết. Đó là trứng vịt lộn. Tây nghe mình giới thiệu về món đấy thì 99% khách lè lưỡi, không dám ăn. Nhưng dù sao mình sẽ vẫn thử lại, âm thực mà!
Nhớ hôm xe chạy từ Tp Hà Giang về Thác Bà, mình rẽ nhầm đường, đáng ra là phải rẽ vào Tĩnh Cốc nhưng xe lại phi thẳng vào Bằng Cốc khoảng 5-6 km gì đó. Đến 1 đoạn dốc thì bị sa lầy, không tiến không lùi được. Đường đó thực ra là đi được vào đến tận Vũ Linh nhưng trời phải khô ráo mới đi được. Loay hoay một lúc xe vẫn không lùi lại được, mình nới với 1 chú thổ địa tình cờ đứng ở đó là cho mình thuê xe công nông hoặc xe tải để kéo xe nhà ra. Chú này nghĩ một tí rồi quay về lấy xe công nông ra. Có đồ chuyên dụng có khác, xe kéo ra khỏi chỗ lầy ngon lành. Xong việc lái xe nhà biếu ít tiền nhưng chú kia nhất định không lấy. Khách chứng kiến từ đầu vụ việc nên thích lắm, tặng ảnh có chữ ký của từng người. Lúc chuẩn bị kéo xe, mình vẫy 2 bác khách tây trèo lên cabin công nông cho biết. Ở dưới mấy bà khách chụp choạch rất tượng.
Xong việc xe chạy về Vũ Linh cũng vẫn còn kịp, ánh sáng vẫn lưu luyến quanh khu nhà như chờ đợi lữ khách.
Trong đoàn có một vị khách đặc biệt. Bác này chơi được đàn guitar, vẽ tốt. Trong suốt hành trình, ông đã vẽ tặng chân dung của nhiều người mà ông gặp trên đường. Ông vẽ nhanh và rất giống người thực. Có ai muốn ông ý vẽ thì đều được đáp ứng một cách nhiệt tình, không có công xá gì cả. Gần như mọi điểm đến của đoàn, ông đều vẽ tặng chân dung của ai đó trong gia đình ấy. Dân bản địa thích lắm, một phần vì cũng lạ nữa, không phải ai cũng có nhã ý vẽ tặng như vậy. Khi ở Đồng Văn, Hà Giang, ông đã dùng guitar mượn của chủ nhà, đệm đàn theo tiếng khèn và sáo của nhạc công chơi nhạc dân tộc người Tày.
Nhân dịp tham dự buổi diễn ca nhạc dân tộc ở Đồng Văn, mình lần đầu thấy nhạc công vừa thổi khèn vừa lộn vòng ra trước. Đây là một động tác rất khó, đòi hỏi công sức tập luyện. Tiếp theo nhạc công người Tày còn biểu diễn trồng cây chuối qua vai. Tức là tỳ vai xuống đất đỡ 2 chân chổng ngược lên trời trong khi vẫn thổi khèn. 2 động tác này được khán giả vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt.
Từ Thác Bà về Nam Định, trời mưa như trút nước. Đến Giao Thủy qua chợ cá thì lái xe chót vượt qua đoạn rẽ trái xuống dốc để về nhà dân, Mình bảo lái xe quay lại cho nhanh nhưng bác tài vẫn muốn thử kiếm chỗ vòng lại phía trước. Kết quả là chạy một vòng khá lâu trước khi về nhà dân. Điểm thú vị lại là lái xe cho dừng trên cầu khỉ, khách ngạc nhiên vì trình độ lái xe đỗ ngay ngăn trên cầu rất hẹp, vừa đủ lọt xe 16c. Hôm sau nữa khi đi Cát Bà sớm, khách đã đề nghị lái xe biểu diễn lại pha đỗ trên cầu này để khách chụp ảnh.
Ngẫm lại hành trình vừa qua, cả khách và hướng dẫn đều cảm thấy rất vui vẻ, được trải nghiệm nhiều cảm xúc thú vị mà không phải tour nào cũng có mà đôi khi lại đến từ việc đen đủi. Đúng như các cụ nói: trong cái rủi có cái may.