Hà Nội, Mù Cang Chải, Sapa, Thác Bà, Ba Bể, 25/9/2015

Share

Lần đầu mình được thăm ruộng ở Mù Cang Chải đúng mùa lúa chín. Các chuyến đi mọi khi đều trước hoặc sau lúa chín nên ít nhiều háo hức hơn. Cung này ai đi qua cũng phải dừng chụp ảnh kỷ niệm vì đây là đoạn có tầm nhìn đẹp, bao quát cả thung lũng. So với các lần đi trước, mình tình cờ tìm ra một điểm chụp ảnh rất đẹp ở gần chòi quan sát, tất nhiên là miễn phí rồi (hihi). Chụp lúa đẹp nhất vẫn là chụp ở trên cao hoặc chụp chếch ngang một chút để lấy chiều dài ruộng bậc thang. Cùng một cung đường, chắc mình vẫn phải đi lại nhiều lần nữa để chọn vài điểm chụp hoàn hảo, vì đi tour nó khác với đi chơi, vẫn phải lo khách khứa nữa chứ. Chụp nhanh chóng rồi còn đi tiếp, có ít ảnh làm kỷ niệm là được rồi.

DSC_11961 DSC_11621

Trước khi vào Tú Lệ, lái xe dừng lại cho đoàn vào thăm một bản người dân tộc. Bản này chỉ có vài căn nhà nhưng đều cùng họ hàng với nhau thì phải. Mình lại đến đúng bữa cơm của họ nên không ở chơi lâu. Được cái chủ nhà rất thân thiện, tiếng Việt nói chưa sõi nhưng hiểu được. Khách tây chụp ảnh thoải mái, chụp ở cả người dân tộc nên khoái chí lắm. Có chị khách mới hơn ba mươi nhưng vóc dáng cao lớn, đứng cạnh chị dân tộc thon nhỏ làm chị này cứ ôm miệng cười, lại còn bảo mình :”Nó ăn gì mà khổng lồ thế”.

DSC_11121

Nhiều người nói cốm ở Tú Lệ ngon và dẻo. Mình ăn thử 2 cửa hàng thấy cứng quèo, không hiểu do hàng ế hay hàng không hợp chuẩn nhỉ?

Đi chơi tuyến Mù Cang Chải, ăn thì tạm được nhưng dở nhất là chỗ ngủ. Ngủ bản được cái có thời gian tìm hiểu về phong tục tập quán của địa phương, nhưng với khách nước ngoài đôi khi cũng bất tiện vì chất lượng không tốt lắm. Ngủ ở Nghĩa Lộ thì còn có khách sạn 3*** (có lẽ là tự phong) là tốt nhất rồi. Mới đây còn có thêm khách sạn Miền Tây chưa rõ chất lượng thế nào. Còn lại là nhà nghỉ và ngủ bản (tức là ngủ nhà sàn của người Thái). Lựa chọn tốt nhất vẫn là ngủ bản và là nơi các công ty lữ hành gửi khách đến.

DSC_12151

Mình cho khách vào ngủ tại nhà Sanh Nhơn, nghe nói nhà này mở dịch vụ du lịch đầu tiên ở thị xã này. Nhà này nấu nướng cũng được, yên tĩnh, nhà toàn cán bộ đương chức. Chủ nhà là anh Sanh có cái tật khách gọi đặt dịch vụ ăn nghỉ trước cái gì cũng ok, nhưng lại quên không truyền miệng lại bà Sanh…,. Đến khi khách đến mới biết là chưa chuẩn bị gì cả….,. Cũng may đây là ở thị xã nên mua đồ ăn uống cho khách không vấn đề gì, bà chủ tất tả chạy ra chợ khuân đồ về là xong. Hôm mình đến chỉ có mỗi đoàn mình ngủ đêm nên khách cũng được nhờ, người Pháp thích yên tĩnh mà lỵ!

Hôm sau đoàn tiếp tục hành trình lên Sapa. Cá nhân mình thích có tí sương thì hấp dẫn hơn. Trời nắng chụp ảnh tốt, nhưng nếu có sương thì Sapa lôi  cuốn hơn, lại thêm cái lạnh một chút lại càng tốt. Một tách cafe, một củ khoai nướng hay một khúc sắn nóng lại chả ngon lành à?

DSC_15611 DSC_15511 DSC_15251 DSC_15331 DSC_15151 DSC_14001 DSC_13841 DSC_13761

Hồi mình đến Sapa lần đầu khoảng năm 96-97, hồi đó cả phố Cầu Mây toàn nhà dân, quán ăn lèo tèo không tấp nập như bây giờ. Hồi ấy chỉ có mỗi khách sạn Bamboo chơ chọi, chưa bị một chuỗi khách sạn nhà hàng bủa vây như bây giờ. Cả thị trấn Sapa, mình thích nhất lảng vảng ở khu Cầu Mây, cũng khó lý giải vì sao? Hàng hóa đâu cũng giống nhau, người dân tộc tập trung ở khu này bán hàng và làm hướng dẫn rất đông, khách sạn nhà hàng đầy ra, tìm chỗ ăn nghỉ nội bộ cũng dễ. Hay tại mình lười lên dốc chăng?

Cung đường đi bộ từ Mã Trà- Tả Phìn nếu khách đi vào mùa lúa chín sẽ rất đẹp. Đường ruộng cong cong, chạy mượt mà mềm mại hút tầm mắt. Ngay đầu đường vào Tả Phìn là tu viện cổ, đổ nát từ hồi chiến tranh. Thời đó có đoàn 12 nữ tu từ Nhật Bản sang Việt Nam, được công sứ Bắc Kỳ cho mảnh đất ở Tả Phìn để ở và làm việc. Các nữ tu trồng rau, chăn nuôi cung cấp thực phẩm cho  Sapa. Nhưng cũng chỉ đến năm 45, do chiến tranh các nữ tu đã rời bỏ tu viện về Hà Nội. Hiện tòa nhà đã hư hỏng hoàn toàn, phần mái đã mất. Hình ảnh đọng lại là những bức tường rêu đỏ quạch, cây mọc um tùm trên nền nhà. Ở một góc tường vẫn còn viên gạch khắc chữ Bồ Đào Nha, ghi dấu thời điểm xây dựng tu viện.

DSC_14661 DSC_14611

Bản Tả Phìn có lẽ chỉ đẹp ở con đường treck vào bản. Chứ bản thân bản kiến trúc tạp nham, đường xá quá xấu, nhà cửa thụt ra thụt vào. Ở đây có dịch vụ tắm thuốc với giá chỉ 80 000 đ/n, ăn uống cũng được.

Cơm trưa xong, khách tắm thuốc rồi cả đoàn đi Thác Bà, hành trình tầm hơn 200 km một chút. Tối ngủ nhà anh Bội, Vũ Linh. Chủ nhà rất thân thiện. Nhà cửa sạch sẽ, sân đỗ xe rộng rãi. Trước cửa nhà có mấy nhà sàn cũng đang xây dựng, khu này ít nữa chắc đông khách.

DSC_17941 DSC_17881

Sáng hôm sau, cả đoàn đi thăm hồ, phong cảnh cũng bình thường. Với diện tích 23400 ha, dài 80 km, trong hồ có nhiều đảo. Lác đác có đảo trơ trụi, chỉ có vài con bò đang gặm cỏ. Có lẽ bọn chúng ra đảo bằng thuyền chăng (?).  Mình đi thăm một vòng thấy trả có gì đặc biệt, không đẹp bằng hồ Ba Bể. Trong lòng hồ, có đơn vị đang xây khu resort. Kể cũng hơi mạo hiểm đầu tư vào đây. Đường đi lại phức tạp tuy quãng đường chỉ 160 km từ Hà Nội (tham khảo https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%93_Th%C3%A1c_B%C3%A0), những ai đi một lần rồi chắc không muốn quay lại.

DSC_17571 DSC_17221

Ngủ một đêm ở hồ Thác Bà, hôm qua đoàn chạy tiếp khoảng 230 km về hồ Ba Bể. Ngủ nghỉ tai nhà anh Sào bản Pắc Ngòi. Mình vào nhà này vì trước đi bên Easia cũng nghỉ tại đây. Lần này thăm động Puông nhưng hầu như không găp con dơi nào cả, chúng di tản đâu đó. Đoàn ăn trưa ở thác Đầu Đẳng, chủ quán mời uống một thứ rượu ngâm với gỗ nghiến. Mình chịu không dám uống, nhưng khách vẫn cụng ly với chủ quán chan chát.

DSC_18231 DSC_18291

Kết thúc chương trình vào chiều ngày 7/10/2015 trong không khí mát lạnh của cơn gió đầu mùa. Khách chắc sẽ trở lại với những người bạn của họ. Hẹn gặp lại.

This entry was posted in Uncategorized and tagged , , , , , , , . Bookmark the permalink.

Leave a Reply